Thẩm mỹ Dona Beauty Center: Có được phép đào tạo dạy nghề?

28/10/2020 15:08

Chỉ có chức năng thực hiện dịch vụ làm đẹp nhưng Dona Beauty Center lại quảng cáo là “Dona Beauty Adecamy” (Học viện Dona Beauty - PV) nhằm thu hút người học.

Theo ghi nhận thực tế của PV Người Đưa Tin Pháp luật, cơ sở thẩm mỹ Dona Beauty Center (địa chỉ NN1B Bạch Mã, phường 15, quận 10, TP.HCM) do bà Dona Kim – quốc tịch Hàn Quốc làm Giám đốc. Dù chỉ được cấp phép các dịch vụ chăm sóc da thông thường nhưng trên fanpage facebook có tên “Dona Thẩm Mỹ”, “Dona Beauty & Diet” đơn vị này có nhiều nội dung tuyển sinh các khóa học về chăm sóc da thẩm mỹ.

Trong nhiều bài đăng tuyển sinh, đơn vị này tự nhận là Dona Beauty Academy (Học viện Dona Beauty - PV).

Theo quy định hiện hành, về mặt pháp lý một đơn vị muốn đào tạo dạy nghề, cần phải được sự thẩm định, phê duyệt và cấp phép hoạt động đào tạo từ các cơ quan liên quan. Việc cấp phép này đòi hỏi một quy trình nghiêm ngặt. Câu hỏi được đặt ra Dona Beauty Center có đạt đủ điều kiện để dạy học hay chưa mà tự quảng cáo rầm rộ đến thế?

Xã hội - Thẩm mỹ Dona Beauty Center: Có được phép đào tạo dạy nghề?

Quảng cáo rầm rộ với các khóa học chăm sóc da như Multox Skin.

Cũng theo tìm hiểu của PV, khi đăng ký khóa học, học viên sẽ được học trực tiếp dưới sự giảng dạy của bà Dona Kim – CEO Dona Beauty Center.

Tuy nhiên, bà Dona Kim là người Hàn Quốc cho nên tất cả những lời giảng dạy đều phải thông qua phiên dịch viên. Liệu phương pháp dạy học như vậy có khả thi, thông dịch viên có dịch sát theo ý của giảng viên?

Sau khi nhận được phản ánh cũng như xác minh thực tế, PV có đến cơ sở để tìm hiểu thì được đại diện tên là Thu Hà – đối tác của Dona Beauty Center trả lời: “Boss (Giám đốc- PV) của Dona hiện nay không có mặt ở đây, mình sẽ xem xét lại việc báo chí đến đột ngột như thế này là hợp lý hay không thì mình sẽ xem xét lại việc đó và sẽ nói chuyện lại bên bạn”.

Hiện nay, nhu cầu học, lấy bằng thẩm mỹ tăng mạnh. Lợi dụng điều này, không ít đơn vị dù không được cơ quan có thẩm quyền cấp phép hoạt động đào tạo nghề nhưng vì chạy theo lợi nhuận, thu hút người học vẫn tự khoác lên cho mình “tấm áo” như “học viện, “học viện thẩm mỹ quốc tế”, “Academy”.

Điều này đưa đến những hệ lụy đáng ngại cho người học.

Xã hội - Thẩm mỹ Dona Beauty Center: Có được phép đào tạo dạy nghề? (Hình 2).

Nghi vấn đặt ra khi đơn vị khẳng định “Dona Beauty Academy”

Trên thực tế, đã có không ít trường hợp, người học rơi vào cảnh "dở khóc dở cười” khi nộp tiền đào tạo cho cơ sở chui, không có khả năng cấp bằng thẩm mỹ như hứa hẹn.

Do đó, khuyến cáo người học cần tỉnh táo, tìm hiểu pháp lý của cơ sở đào tạo nghề trước khi trao gửi niềm tin.

Sự bát nháo trong hoạt động giáo dục nghề nghiệp lĩnh vực làm đẹp hiện nay đã gây ra những tác hại vô cùng lớn. Rất nhiều đơn vị mở ra các lớp đào tạo học viên, cấp rất nhiều chứng chỉ tự phát, nhưng chất lượng đào tạo và tay nghề của học viên là một câu hỏi còn bỏ ngỏ.

Vô số TMV, spa làm đẹp mọc lên như nấm. Sự hỗn loạn này khiến các cơ quan chức năng đau đầu trong công tác quản lý.

Hành lang pháp lý trong lĩnh vực giáo dục dạy nghề đã được ghi nhận cụ thể tại Luật Giáo dục nghề nghiệp hiện hành và các văn bản dưới Luật liên quan.

Theo đó, để được phép đào tạo nghề nghiệp, cơ sở, doanh nghiệp đó phải được cơ quan Nhà nước có thẩm quyền cấp giấy chứng nhận đăng ký hoạt động giáo dục nghề nghiệp theo quy định.

Xã hội - Thẩm mỹ Dona Beauty Center: Có được phép đào tạo dạy nghề? (Hình 3).

Bà Dona Kim trực tiếp tuyển sinh, đồng thời đơn vị cũng khẳng định sẽ cấp chứng chỉ Hàn Quốc sau khi học xong

Khoản 2, Điều 19, Luật Giáo dục nghề nghiệp 2014 quy định rõ: “Cơ sở hoạt động giáo dục nghề nghiệp chỉ được tuyển sinh, tổ chức đào tạo khi được cấp giấy chứng nhận đăng ký hoạt động giáo dục nghề nghiệp”.

Chế tài xử lý vi phạm trong lĩnh vực này cũng được quy định: Đối với tổ chức hoạt động giáo dục nghề nghiệp khi chưa được cấp giấy chứng nhận đăng ký hoạt động giáo dục nghề nghiệp sẽ bị đình chỉ hoạt động giáo dục nghề nghiệp, hết thời hạn đình chỉ hoạt động đào tạo mà không khắc phục được nguyên nhân dẫn đến việc bị đình chỉ, cơ sở giáo dục nghề nghiệp sẽ bị giải thể.

Người nào có hành vi thành lập cơ sở giáo dục nghề nghiệp hoặc tổ chức hoạt động giáo dục nghề nghiệp trái quy định của pháp luật thì tùy theo tính chất, mức độ vi phạm mà bị xử lý kỷ luật, xử phạt vi phạm hành chính hoặc truy cứu trách nhiệm hình sự; nếu gây thiệt hại thì phải bồi thường theo quy định của pháp luật.

Vậy, Dona Beauty Center là thẩm mỹ viện đã được cấp giấy chứng nhận đăng ký hoạt động giáo dục nghề nghiệp theo quy định hay doanh nghiệp này đang hoạt động bất chấp quy định pháp luật để thu lợi nhuận từ học viên?

Chúng tôi sẽ tiếp tục thông tin đến bạn đọc ở kỳ sau.

Thiên Nhi - Hồ Phúc- Hoàng Trung
Bạn đang đọc bài viết "Thẩm mỹ Dona Beauty Center: Có được phép đào tạo dạy nghề?" tại chuyên mục Sức khỏe - Đời sống. Mọi bài vở cộng tác xin gọi hotline (0987.245.378) hoặc gửi về địa chỉ email (info.vstarmedia2018@gmail.com).