Để công tác phòng, chống tai nạn thương tích trẻ em đạt hiệu quả, Ninh Bình đã xây dựng nhiều mô hình cộng đồng để hạn chế thấp nhất những tai nạn thương tích có thể xảy ra cho trẻ. Ghi nhận của PV Truyền hình Người đưa tin pháp luật.
Từ đầu năm, Ninh Bình có trên 1.000 trẻ em bị tai nạn thương tích, trong đó có 33 trường hợp tử vong. Đây là trường hợp bệnh nhi 5 tháng tuổi bị bỏng độ 1 đang được điều trị tại Bệnh viện Sản Nhi tỉnh Ninh Bình. Nguyên nhân khiến cháu bị bỏng là do người thân sơ suất làm đổ đĩa bột còn nóng vào người cháu.
Hiện tại, bệnh viện đang điều trị nội trú cho 70 bệnh nhi, trong đó có từ 20 đến 35% bị chấn thương. Riêng bệnh nhi bị bỏng từ đầu năm đến nay đã có 20 ca bị bỏng 15% và bỏng mổ ghép da đã được chuyển lên tuyến trên.
Khuyến cáo các bậc phụ huynh nên quan tâm, chăm sóc trẻ, tránh để xảy ra những trường hợp đáng tiếc.
Bác sĩ Đinh Văn Duy, Phó Trưởng khoa Ngoại nhi, Bệnh viện Sản – Nhi Ninh Bình cho biết: "Khuyến cáo các bậc cha mẹ hãy quan tâm, chú ý đến trẻ khi ở nhà, nhất là những bé hay năng động và chạy nhảy nhiều, dễ xảy ra những thương tổn cho các cháu. Những cháu nhỏ đi ra đường nên có người nhà đi kèm theo, tránh xảy ra những tai nạn thương tiếc."
Các trường hợp tai nạn thương tích thường gặp ở trẻ như bỏng nước, ngã, tai nạn giao thông, ngộ độc, súc vật cắn và các tai nạn khác. Nhằm hạn chế thấp nhất những tai nạn thương tích có thể xảy ra cho trẻ, từ đầu năm đến nay, tỉnh Ninh Bình đã tổ chức 40 lớp học, phát 10.000 tờ rơi tuyên truyền kỹ năng phòng chống đuối nước, tổ chức 20 lớp kỹ năng phòng chống xâm hại tình dục , kỹ năng an toàn giao thông, kỹ năng sống.
Thời gian tới, Ninh Bình sẽ tiếp tục nhân rộng mô hình “Ngôi nhà an toàn” phòng chống tai nạn thương tích trẻ em tại các địa phương, tiếp tục đẩy mạnh tuyên truyền về công tác bảo vệ và chăm sóc trẻ em.