Người khuyết tật khắc họa nỗi đau bạo lực tình dục thông qua nghệ thuật

18/10/2020 14:49

Tại lễ tổng kết dự án “Nữ Chiến Binh - Phòng chống bạo lực tình dục cho phụ nữ khuyết tật", các chị em khuyết tật thể hiện tiết mục múa - kể lại cuộc đời căng đầy mộng ước bị xâm hại tình dục và hành trình vượt qua khủng hoảng.

Ngày 17/10, lễ tổng kết dự án “Nữ Chiến Binh - Phòng chống bạo lực tình dục cho phụ nữ khuyết tật" do các thành viên đến từ chương trình “Sáng kiến thủ lĩnh Đông Nam Á" kết hợp cùng Đại sứ quán Mỹ, Chương trình phát triển Liên Hợp Quốc (UNDP) đã diễn ra tại Hà Nội. Chương trình có sự góp mặt của đại diện UNDP ông Nils Christensen, đại diện Đại sứ quán Hoa Kỳ - bà Huy Thị Hạnh, đại diện Đoàn luật sư thành phố Hà Nội, hơn 20 thành viên khuyết tật tham gia dự án và công chúng. 

Phụ nữ khuyết tật chia sẻ về nỗi đau và cách vượt qua bạo lực tình dục.

Như một cuốn tự truyện, chương trình đã kể lại hành trình bị xâm hại tình dục, nỗ lực đối diện và vượt qua nỗi đau của phụ nữ khuyết tật. Ở chương đầu tiên, nhóm dự án cho biết năm 2019, 40,5% phụ nữ khuyết tật đã phải chịu ít nhất một hình thức bạo lực tình dục, 85% phụ nữ khuyết tật bị hạn chế hiểu biết về vấn nạn này. Do đó, họ tuy bị xâm hại nặng nề nhưng chẳng thể bày tỏ.

Từ đây, nhóm dự án đã điểm qua các hoạt động đã thực hiện xuyên suốt 1 năm qua để tạo nên sự thay đổi tích cực. Đầu tháng 10/2019,  lớp tập huấn kéo dài 3 ngày nhằm trang bị định nghĩa đúng về quan hệ tình dục đồng thuận, các dấu hiệu quấy rối, bạo lực tình dục và cách chống trả đến gần 30 chị em.

Bên cạnh đó, họ được tìm hiểu về quyền bảo vệ và có thêm đường dây thông tin hỗ trợ từ các thành viên dự án: chị Nguyễn Ngọc Lan (Chủ tịch Trung tâm Nghiên cứu và Tư vấn Khoa học Quản Trị GES), chị Nguyễn Minh Châu (Thạc sĩ công tác xã hội), anh Nguyễn Hoàng An (Quản lý truyền thông), chị Khánh Linh (sinh viên khoa Luật - ĐH Quốc Gia Hà Nội). Tháng 1/2020, dự án đã thực hiện hoạt động “Cuộc đua kỳ thú", kết hợp anh chị em khuyết tật cùng các bạn không khiếm khuyết để trải nghiệm những khó khăn thường nhật nhằm gia tăng thấu cảm và hiểu hơn về khả năng của nhau. 

Anh chị em khuyết tật thể hiện nghị lực sống bằng tiết mục múa.

Các thành viên của dự án được khuyến khích lan toả những điều lĩnh hội được đến người thân và cộng đồng bằng các hình thức văn hoá - nghệ thuật. Thành viên dự án Hoàng An cho biết: “Những thông tin về người khuyết tật thường không được công chúng quan tâm do chỉ tập trung nói về khốn khó, hình thức thể hiện khô cằn. Do đó, chúng tôi muốn dùng truyền thông - nghệ thuật để thu hút sự chú ý của công chúng hơn".

Trong chương hai, chương trình đã trở thành sân khấu để các chị em khuyết tật thể hiện tiết mục múa - kể lại cuộc đời căng đầy mộng ước bị xâm hại tình dục và hành trình vượt qua khủng hoảng. Tại đây, những phụ nữ khuyết tật từng bị xâm hại cũng đã viết lại câu chuyện của mình qua tập san và trực tiếp bày tỏ, truyền động lực đến cộng đồng.

Bạn Tú Anh chia sẻ: “Từng bị xâm hại tình dục nhưng tôi chọn cách tâm sự cùng mẹ và gia đình, không trốn tránh. Nhờ đó, mẹ đã đồng hành, đăng ký cho tôi tham gia dự án để có thêm nhiều kiến thức và kỹ năng bảo vệ mình lẫn người khác. Chỉ có đối diện với nỗi đau mới giúp tôi vượt qua nó". 

Chị Ngọc Lan - đại diện dự án công bố cuốn tập san kể về những câu chuyện bị xâm hại chưa từng tiết lộ của phụ nữ khuyết tật.

Vượt qua nỗi đau, các thành viên khuyết tật tham gia dự án còn lan toả sức sống của mình qua triển lãm ảnh. Mỗi bức ảnh là một câu chuyện tìm thấy giá trị bản thân, tin mình không vô dụng của người khuyết tật và cách tìm thấy niềm vui giữa muôn vàn định kiến. Quả thực, chính nụ cười và niềm tin của họ đã thay đổi định kiến về cộng đồng khuyết tật khắc khổ, thụ động từ xã hội.

Chị Giao chia sẻ: “Nếu chúng tôi không học cách yêu bản thân mình trước thì làm sao cộng đồng có thể nhìn thấy giá trị từ chúng tôi?” Chưa dừng lại, các anh chị em khuyết tật tiếp tục khiến công chúng ngỡ ngàng khi tự tin khoe sắc với tiết mục trình diễn thời trang. 

Các chị em khuyết tật bên câu chuyện lần đầu dám kể của mình.

20 anh chị em khuyết tật cùng trình diễn thời trang.

Để người khuyết tật viết nên chương mới của cuộc đời, đại diện UNDP đã giới thiệu nhiều cơ hội nghề nghiệp đến công chúng. Trong đó, có thể kể đến khoá học thiết kế video, làm phim hoạt hình, tin học văn phòng và bán hàng online. Đây cũng chính là những cơ hội để người khuyết tật có thêm kỹ năng nghề nghiệp, chiến thắng những khó khăn do tác động của dịch Covid-19. 

Dự án tạm khép lại nhưng tinh thần chủ động bảo vệ mình của người khuyết tật trước nạn bạo lực tình dục và sự đồng hành của xã hội chắc chắn sẽ nối dài mãi sau. Nhóm dự án cho biết sẽ tiếp tục cùng YSEALI, các tổ chức xã hội thực hiện tiếp nhiều dự án thu hẹp khoảng cách giữa người khuyết tật và cộng đồng. 

Linh Chi
Bạn đang đọc bài viết "Người khuyết tật khắc họa nỗi đau bạo lực tình dục thông qua nghệ thuật" tại chuyên mục Sức khỏe - Đời sống. Mọi bài vở cộng tác xin gọi hotline (0987.245.378) hoặc gửi về địa chỉ email (info.vstarmedia2018@gmail.com).