Mua bán chứng chỉ hành nghề spa: Hỏi gì trường cũng… không biết

23/09/2020 13:10

Việc mua bán chứng chỉ hành nghề vẫn cứ xảy ra như “chuyện thường ngày ở huyện” cùng với lời cam kết bằng thật, dấu thật. Thế nhưng, chưa cần biết chứng chỉ có phải thật hay không, chỉ biết rằng nhà trường - được cho là nơi cung cấp chứng chỉ - luôn “không biết gì” khi được hỏi, là điều có thật.

Thi lấy chứng chỉ hành nghề làm đẹp: Cứ khoanh bừa cũng đỗ

Như chúng tôi đã phản ánh trong bài viết “Nhốn nháo” thị trường mua bán chứng chỉ hành nghề làm đẹp, PV Người Đưa Tin Pháp luật tiếp tục thâm nhập, tìm hiểu nguồn gốc cung cấp những chứng chỉ hành nghề làm đẹp này.

Theo đó, khi được tiết lộ về nghi vấn trường trung cấp Future Việt Nam là nơi nhận làm chứng chỉ spa, thẩm mỹ tại nhiều nơi, PV đã hỏi trực tiếp người môi giới tại địa chỉ 12 Khương Thượng (Đống Đa, Hà Nội). Song, chúng tôi chỉ nhận lại câu trả lời: “Bạn chỉ cần nhận được bằng và quan tâm bằng thật hay giả. Những chuyện khác mình không tiết lộ cho bạn được”.

Tiếp tục liên hệ với người chủ spa tại Bắc Giang, sau nhiều lần cố gắng thuyết phục, với lý do người này ở quá xa không tiện gặp mặt, PV được cung cấp số điện thoại của một người - được cho là giáo viên đang làm việc tại trường trung cấp Future Việt Nam - để tiện liên lạc và trao đổi. Người này nói: “Chị nhận em là học viên tại spa của chị, giáo viên tại trường là người quen của chị luôn nên không có gì phải lo lắng. Bình thường nếu em tự đến hỏi cũng không ai đồng ý cho em đăng kí chứng chỉ mà không qua đào tạo đâu”. Người chủ spa này dặn dò PV rằng đến nộp hồ sơ chỉ cần chứng minh thư và ảnh thẻ. “Em cứ nhận bằng về tay, kiểm tra kĩ càng mọi thứ rồi chuyển khoản tiền cho chị cũng được”, người này nói thêm.

Giáo dục - Mua bán chứng chỉ hành nghề spa: Hỏi gì trường cũng… không biết

Trường trung cấp Future Việt Nam.

Ngày hôm sau, theo đúng lịch hẹn, PV đến nộp hồ sơ tại trường trung cấp Future Việt Nam và gặp giáo viên tên Phạm Cẩm Vân đang công tác tại trường. Trong cuộc gặp gỡ đầy vội vàng với chị Vân, khi PV bày tỏ lo ngại rằng chưa học qua lớp đào tạo nghề nào thì có thi chứng chỉ được không, chị Vân khẳng định vẫn làm được và cho PV xem chứng chỉ của những người đã thi trước đó. Không yêu cầu chứng minh thư hay ảnh thẻ, chị Vân đưa cho PV đề thi lý thuyết mà trường đã soạn và yêu cầu PV làm ngay. “Em làm đề luôn đi, 10 - 15 phút nữa chị sẽ thu đề và chấm qua. Yên tâm, đề dễ lắm khoanh bừa cũng được”, chị Vân nói thêm.

Đi theo chị Vân đến một căn phòng rộng hơn để làm bài kiểm tra, PV hỏi về chuyện có cần đặt cọc tiền không và nhận được câu trả lời: “Em phải đặt cọc tiền trước ở đây thì chị mới làm bằng cho em chứ”. Khi PV nói không đem theo tiền trong người, chị Vân nhanh miệng: “Vậy thì em cầm đề về và làm nhé, ngày mai mang đến nộp cho chị rồi mang cả tiền đến đặt cọc nữa”. Tiễn PV ra cửa, chị Vân không quên nói thêm, nếu mai mới nộp tiền cọc thì phải nửa tháng nữa mới có thể lấy bằng.

Qua những thông tin ban đầu từ người chủ spa tại Bắc Giang, đối chiếu với những gì chị Vân nói trong buổi gặp tại trường trung cấp Future Việt Nam, PV nhận thấy những thông tin này không trùng khớp với nhau. Vậy thì quy trình thật sự để tạo ra chứng chỉ hành nghề diễn ra như thế nào hay chỉ cần có tiền là sẽ có bằng?

Không thể kiểm soát

Để xác thực những thông tin này, PV tạp chí Người Đưa Tin Pháp luật đã làm việc trực tiếp với ban Giám hiệu trường trung cấp Future Việt Nam. Tiếp chúng tôi, bà Nguyễn Thị Thu, người đang phụ trách vấn đề liên quan đến việc cấp chứng chỉ spa, thẩm mỹ cho biết, những vấn đề này nhà trường không nắm được. Bà Thu cũng nói thêm: “Trường chúng tôi có liên kết với các cơ sở spa, hiện nay ở Hà Nội chúng tôi đang đặt 4 - 5 trạm spa đủ điều kiện về tay nghề cũng như tư cách pháp nhân hợp lý để có thể đào tạo học viên”.

Giáo dục - Mua bán chứng chỉ hành nghề spa: Hỏi gì trường cũng… không biết (Hình 2).

Bà Thu, người trực tiếp làm việc với PV.

Tuy nhiên, những trạm spa theo lời bà Thu nói hầu như chỉ trao đổi về học viên trong các hội nhóm kín chứ không hề có chuyện rao bán các chứng chỉ hành nghề trên mạng. “Chúng tôi đặt ra chỉ tiêu tại mỗi trạm là mỗi tháng sẽ đào tạo được 10 học viên, những người chủ spa đều được hoạt động với tư cách là giáo viên tại trường”, bà Thu cho biết thêm.

Lý giải về việc xuất hiện những người rao bán chứng chỉ hành nghề không cần học cũng được tham gia thi dưới cái tên trường trung cấp Future Việt Nam, bà Thu cho biết, vấn đề này nhà trường không nắm được. Cụ thể, khi PV đề cập đến cơ sở làm đẹp tại số 12 Khương Thượng, bà Thu tỏ ra ngạc nhiên và khẳng định không quen ai tại cơ sở này. “Tôi và một vài người nữa phụ trách quản lý các trạm spa đào tạo học viên, trong danh sách của chúng tôi không có cơ sở nào có địa chỉ tại 12 Khương Thượng”, bà Thu nói.

Cũng theo bà Thu, hiện nay do tình hình dịch bệnh nên quá trình đào tạo chỉ diễn ra từ xa hoặc các spa tự tổ chức cho học viên thực hành. “Vì cơ sở vật chất của trường không đáp ứng đủ số lượng học viên nên chúng tôi vẫn để các spa đào tạo tay nghề, khi nào tổ chức thi, người của trường sẽ xuống tận nơi để giám sát các học viên thực hành”, bà Thu thông tin thêm.

Khi được hỏi về việc mỗi học viên khi đăng ký thi chứng chỉ hành nghề cần đóng lệ phí là bao nhiêu, bà Thu cho biết mức thu ở trường chỉ trong khoảng vài trăm nghìn đồng. Còn việc các cơ sở làm đẹp, các thẩm mỹ viện thu bao nhiêu thì vấn đề này nhà trường không nắm rõ. 

Theo luật sự Hoàng Văn Hướng (Văn phòng luật sư Hoàng Hưng), hành vi mua, bán chứng chỉ hành nghề làm đẹp trái phép đều vi phạm bộ luật Hình sự 2015. Đồng thời, những cơ sở đào tạo, các trường dạy nghề móc nối với đối tượng môi giới để cấp chứng chỉ hành nghề cũng được xét thành có tính chất đồng phạm và sẽ tăng nặng hình phạt theo mức độ nghiêm trọng của vụ việc. 

Lê Trà
Bạn đang đọc bài viết "Mua bán chứng chỉ hành nghề spa: Hỏi gì trường cũng… không biết" tại chuyên mục Sức khỏe - Đời sống. Mọi bài vở cộng tác xin gọi hotline (0987.245.378) hoặc gửi về địa chỉ email (info.vstarmedia2018@gmail.com).