Nhiều người thở phào khi biết kết quả âm tính, tuy nhiên, theo bác sĩ (BS) Nguyễn Trung Cấp, Phó Giám đốc Bệnh viện Bệnh nhiệt đới trung ương, người xét nghiệm SARS-CoV-2 nếu chưa cách ly đủ 14 ngày thì dù có kết quả âm tính vẫn chưa thể yên tâm hoàn toàn.
Dương hoặc âm tính giả
Lý giải điều này, BS Cấp cho biết khi SARS-CoV-2 xâm nhập cơ thể, âm thầm nhân lên đến khi đạt tải lượng nhất định mới phát tán ra đường hô hấp và gây triệu chứng. Quá trình âm thầm nhân lên của virus gọi là thời gian ủ bệnh. Trong thời gian này, do virus chưa phát tán qua đường hô hấp nên xét nghiệm vẫn có thể âm tính mặc dù cơ thể có virus. "Thực tế đã có những trường hợp âm tính thời điểm sàng lọc, sau đó lại dương tính với SARS-CoV-2. Thời gian ủ bệnh của hầu hết bệnh nhân là dưới 14 ngày nhưng vẫn có một tỉ lệ nhỏ có thể dài hơn" - BS Cấp lưu ý.
Cùng quan điểm, BS Đồng Phú Khiêm, Phó trưởng Khoa Hồi sức tích cực Bệnh viện Bệnh nhiệt đới trung ương, cho biết trên thế giới có nhiều hãng đang tìm cách nghiên cứu các xét nghiệm nhanh tìm kiếm các cấu trúc của SARS-CoV-2 giúp chẩn đoán nhanh nhưng đến nay vẫn chưa có xét nghiệm nhanh nào được công nhận và áp dụng trong chẩn đoán Covid-19.
TP Hà Nội là một trong số các địa phương đang triển khai xét nghiệm nhanh tìm virus SARS-CoV-2 cho người dân trở về từ TP Đà Nẵng. Theo đại diện Sở Y tế TP Hà Nội, xét nghiệm sàng lọc tại Hà Nội sử dụng là loại xét nghiệm nhanh của Hàn Quốc, thời gian cho kết quả là 10 phút, nhưng đây là loại xét nghiệm có tỉ lệ phản ứng chéo (dương tính với nhiều căn bệnh khác, không chỉ Covid-19).
Trước nguy cơ dương tính giả hoặc âm tính giả sau khi xét nghiệm nhanh, BS Cấp khuyến cáo một người đi qua vùng có dịch hoặc tiếp xúc gần với người bệnh thì việc tự cách ly và theo dõi trong 14 ngày mới là điều quan trọng. Việc xét nghiệm chỉ thực hiện khi cá nhân có các triệu chứng về hô hấp. Việc xét nghiệm sớm khi chưa có triệu chứng lâm sàng có rất ít giá trị. Thậm chí, có người sau khi có kết quả xét nghiệm âm tính nghĩ rằng mình không bị bệnh và chủ quan tự phá vỡ các quy tắc cách ly. Khi đó, họ có thể trở thành nguồn lây cho cộng đồng nếu những ngày sau đó mắc Covid-19.
"Người bị nhiễm virus SARS-CoV-2 thường ủ bệnh khoảng 5-14 ngày (có trường hợp muộn hơn) mới có thể phát thành bệnh Covd-19. Do vậy, nếu đi qua vùng có dịch Covid-19 hay tiếp xúc gần với người nghi có bệnh, xin đừng cố đòi xét nghiệm ngay để... yên tâm. Ngay cả khi có kết quả âm tính vẫn cần tiếp tục theo dõi y tế, cách ly 14 ngày, thực hiện đúng khuyến cáo chứ không được loại bỏ hẳn hoặc yên tâm vì mình chắc chắn âm tính" - BS Cấp thông tin.
Nhân viên y tế đang thực hiện test nhanh tìm virus SARS-CoV-2 (Ảnh: Ngọc Dung)
Nguy cơ "người lành mang trùng"
Theo các chuyên gia, xét nghiệm nhanh chỉ có ý nghĩa trong 2 trường hợp. Một là trong các cộng đồng đã có tỉ lệ người bệnh cao, xét nghiệm nhanh đại trà sẽ có giá trị phân loại các nhóm người. Hai là ở những người về từ nơi có dịch đã quá 14 ngày hay trong khoảng 5-10 ngày, xét nghiệm nhanh có thể giúp tìm ra họ vì khi đó kháng thể đã lên cao. Còn dạng xét nghiệm PCR (tên đầy đủ là real time PCR, viết tắt RT-PCR) sẽ xác định xem người đó có mắc Covid-19 hay không và xác định tải lượng virus.
Theo BS Trương Hữu Khanh, Trưởng Khoa Nhiễm - Thần kinh Bệnh viện Nhi Đồng 1 TP HCM, xét nghiệm nhanh Covid-19 là dạng xét nghiệm nhằm tìm kháng thể trong máu, khác với PCR là xét nghiệm tìm con virus trong dịch phết mũi, họng. Phải bệnh một thời gian mới có kháng thể. Vì vậy, nhiều người bệnh cho kết quả xét nghiệm nhanh âm tính nhưng thực ra đã phát tán virus được vài ngày, nếu những người này xét nghiệm PCR có thể là dương tính.
Với những người đi Đà Nẵng về TP mà chưa được xét nghiệm hay chỉ mới xét nghiệm nhanh, BS Trương Hữu Khanh khuyên hãy khai báo y tế và ở nhà (hạn chế tiếp xúc với người nhà, nhất là người lớn tuổi), đeo khẩu trang khi ra ngoài. Khi có triệu chứng hô hấp thì liên lạc ngay với y tế địa phương. Ai đã qua 14 ngày mà chưa thấy triệu chứng thì có thể an tâm phần nào song vẫn có nguy cơ vì đang là "người lành mang trùng" (mắc Covid-19 nhưng không có triệu chứng), vì vậy hãy kiên nhẫn chờ đợi và làm theo hướng dẫn của cơ quan chức năng địa phương.
BS Trương Hữu Khanh giải thích thêm nếu một người là F1 (tiếp xúc gần) với một bệnh nhân đã được xác định là mắc Covid-19 (F0), họ sẽ được đưa đi cách ly tập trung, các F2 (tiếp xúc với F1) sẽ được yêu cầu cách ly tại nhà để chờ kết quả xét nghiệm của F1. F1 sau khi có kết quả xét nghiệm âm tính lần đầu vẫn phải cách ly đủ 14 ngày và tiếp tục xét nghiệm, vì có thể lúc xét nghiệm lần đầu họ mới nhiễm, virus chưa nhân lên kịp, chưa xuất hiện trong dịch phết mũi, họng và chưa phát tán nên tạm thời còn âm tính, sau này virus xuất hiện trong họng thì mới chuyển dương.
Tính đến sáng 7-8, đã có 42.266 trường hợp người về từ Đà Nẵng đã khai báo y tế, 31.166 trường hợp đã được lấy mẫu xét nghiệm, trong đó, 28.319 mẫu đã có kết quả âm tính, 6 mẫu dương tính (là các bệnh nhân 510, 517, 518, 567, 568, 589 đã công bố). Toàn bộ xét nghiệm được TP HCM thực hiện là xét nghiệm RT-PCR. |