Cấp cứu vì uống bột mài sừng tê giác
Trao đổi với PV, đại diện bệnh viện Nhi đồng 2, TP.HCM cho biết, vừa cứu kịp thời bé Nguyễn Kim Dung, 22 tháng tuổi bị ngộ độc do gia đình cho uống bột mài ra từ sừng tê giác để chữa sốt co giật. Trước đó, bé Dung được gia đình đưa vào bệnh viện Nhi Đồng 2 cấp cứu trong chiều ngày 18/07 và sau đó được chuyển vào khoa Hồi sức tích cực chống độc trong tình trạng sốt, mệt mỏi, xanh tím toàn thân.
Trao đổi với PV, bác sĩ Huỳnh Thị Ánh Tuyết:“Sau khi thăm khám, X-quang và siêu âm tim, các bác sĩ cấp cứu loại trừ nguyên nhân tím do tim, phổi, lập tức nghi ngờ bé bị ngộ độc. Bé nhanh chóng được làm xét nghiệm máu, kết quả thật bất ngờ khi nồng độ Methemoglobin rất cao, lên đến 30% (trong khi bình thường nồng độ chất này trong hồng cầu chỉ từ 0-3%)”.
Khai thác nhanh từ gia đình thì được biết sáng cùng ngày, gia đình có cho bé uống bột mài ra từ sừng tê giác, do một người bạn cho để chữa sốt co giật cho bé. Sau đó, vì thấy bé bị sốt, các đầu ngón tay bị xanh tím nên cha mẹ bé vội vàng đưa con đi cấp cứu.
Chia sẻ về việc vì sao cho bé uống bột mài từ sừng tê giác, người nhà bệnh nhi cho rằng, thấy con sốt, chỉ mong có cách nào giúp con hạ sốt nhanh, để có sức khỏe vui chơi. Nhưng không ngờ sau khi uống, người con có biểu hiện ngộ độc nặng nên gia đình nhanh chóng đưa đi bệnh viện. Cũng may mắn, nhờ đi cấp cứu kịp thời nên bé Dung đã qua cơn nguy kịch. Gia đình rất cảm ơn đội ngũ y bác sĩ bệnh viện Nhi đồng 2 đã tận tình cứu chữa kịp thời cho bé.
Các bác sĩ nhận định, bé bị tình trạng Methemoglobin máu do uống bột sừng tê giác nên đã xử trí: cho thở máy, truyền dịch duy trì dấu hiệu sinh tồn, sử dụng than hoạt tính để hấp phụ độc chất, thay máu và áp dụng các phương pháp điều trị hỗ trợ khác. Sau 5 ngày điều trị, tình trạng ngộ độc đã thuyên giảm, bé được cai máy thở, môi và các đầu chi đã hồng hào trở lại, hoạt động chức năng cơ quan bình thường và đã được chuyển đến khoa Nội tổng hợp để được theo dõi và điều trị tiếp.
Bác sĩ chuyên khoa 2 Nguyễn Văn Lộc – Trưởng khoa Hồi sức tích cực chống độc bệnh viện Nhi Đồng 2 cho biết: “Methemoglobinemia là một rối loạn máu hình thành là do sắt hoá trị 2 của hemoglobin (trong hồng cầu bình thường) bị hoá thành sắt hoá trị 3, không còn khả năng vận chuyển oxy, gây thiếu oxy mô dù độ bảo hòa oxy trong máu động mạch vẫn bình hường. Tình trạng này xảy ra sau khi trẻ tiếp xúc với một số loại thuốc, hóa chất, thực phẩm...”.
Theo bác sĩ Lộc, nồng độ Methemoglobin trong máu từ 15-30% gây tím môi và đầu chi, ăn uống kém, lừ đừ nhức đầu, chóng mặt, từ 30-50% có thể gây lơ mơ, mất ý thức tạm thời, khó thở… Khi nồng độ này từ 50-70%, bệnh nhân có thể bị hôn mê, co giật, các vấn đề về thận hoặc nhịp tim bất thường. Trên 70% thường gây tử vong.
Sừng tê giác không phải là thần dược
Theo các bác sĩ đông y, sừng tê giác là một vị thuốc được xếp vào nhóm thuốc “thanh nhiệt lương huyết”. Sừng tê giác tính hàn, vị đắng, khi dùng có tác dụng đi vào kinh tâm, can, vị (tim, gan, dạ dày). Có tác dụng thanh nhiệt, giải độc, lương huyết, trấn kinh an thần, dùng để điều trị các chứng thuộc ôn bệnh (bệnh do thời tiết sinh ra có tính lây truyền) như sốt cao, hôn mê nói nhảm, co giật, sốt phát ban... Nó không phải là thần dược. Vì trong nhóm thuốc thanh nhiệt lương huyết có tất cả 17 vị thuốc như ngưu hoàng, sinh địa, huyền sâm, đan bì, xích thược... vừa rẻ lại vừa dễ tìm.
Trong Đông y hiện nay hầu như không dùng sừng tê giác để chữa bệnh, vì đắt vừa khó tìm và có nhiều thảo dược khác thay thế rẻ tiền, dễ tìm đã trình bày ở phần trên. Trong Y học phương Đông có tất cả khoảng một vạn 7.000 bài thuốc, chỉ có khoảng 50 bài có thành phần sừng tê giác. Cho nên những người uống một mình sừng tê giác không có ý nghĩa chữa bệnh, nếu có tác dụng chỉ là cá biệt. Trong Đông y không có bài thuốc nào dùng sừng tê giác độc vị.
Chia sẻ với PV, các bác sĩ bệnh viện Nhi đồng 2 cho biết, trước đây, bệnh viện vẫn tiếp nhận một số ca ngộ độc do gia đình cho trẻ uống bột được cho là mài từ sừng tê giác, bác sĩ đã khuyến cáo tới người dân trên các kênh truyền thông là không nên tin vào cách quảng cáo trên mạng hay lan truyền trong dân gian về cách chữa bệnh không có cơ sở khoa học này. Vì trẻ khi bị bệnh, sức đề kháng yếu, nếu dùng phải dược phẩm, hay các thức uống chưa được kiểm chứng dễ dẫn đến ngộ độc. Đó là chưa kể, hiện nay, có thông tin cho rằng, sừng tê giác làm giả tràn lan, được tẩm hóa chất, lưu hành trên thị trường, người dân không biết tìm mua và cho trẻ uống có thể ảnh hưởng nghiêm trọng đến tính mạng. Nếu không cấp cứu kịp thời, trẻ có thể ngộ độc nặng, dẫn đến tử vong.
Không nên tin bài thuốc đồn thổi trên mạng xã hội
Bác sĩ chuyên khoa 2, Nguyễn Văn Lộc, Trưởng khoa Hồi sức tích cực chống độc, bệnh viện Nhi đồng 2 chia sẻ thêm: “Hiện nay trên mạng xã hội có rất nhiều phụ huynh lan truyền thông tin về công dụng chữa bệnh thần kỳ của sừng tê giác. Tuy nhiên cho đến nay, khoa học chưa có bất kỳ bằng chứng nào cho thấy sừng tê giác có thể điều trị được bệnh sốt co giật và các bệnh lý khác. Ông khuyến cáo, các bậc phụ huynh không nên tin vào những bài thuốc đồn thổi, vô căn cứ, có thể gây nguy hiểm đến tính mạng của con em mình”.
Tên nhân vật đã thay đổi