Hà Nội đầu thế kỷ 20 qua những công trình kiến trúc

18/10/2020 14:48

Mỗi bức tranh, mỗi bài viết trong cuốn sách "Ấn tượng Hà Nội" tái hiện lại một Hà Nội quyến rũ, tinh tế đầy chất thơ của quá khứ, hiện tại và tương lai.

Tiếp nối thành công từ cuốn artbook Phố cổ Hà Nội - Kí họa và hồi ức xuất bản năm 2019, Nhóm Kí họa Đô thị Hà Nội vừa cho ra mắt cuốn sách thứ hai mang tên Ấn tượng Hà Nội - Từ kí họa những công trình thời Pháp.

Tác phẩm tập hợp gần 150 bức tranh minh họa độc đáo bằng nhiều chất liệu khác nhau đến từ các tác giả, kiến trúc sư, họa sĩ chuyên và không chuyên có chung một tình yêu nồng nàn với Hà Nội.

Tác phẩm mới - Hà Nội đầu thế kỷ 20 qua những công trình kiến trúc

Cuốn sách Ấn tượng Hà Nội - Từ kí họa những công trình thời Pháp. Ảnh: Wings Books

Không chỉ thế, cuốn sách còn ghi chép lại những nghiên cứu, khảo cứu của nhiều giáo sư, tiến sĩ, kiến trúc sư và những chuyên gia, học giả hàng đầu Việt Nam về một thời lịch sử hình thành và phát triển của Hà Nội gắn liền với những công trình thời Pháp.

Không gian di sản kiến trúc Pháp tại Hà Nội

Hà Nội vốn là một thành phố Á Đông nhưng mang trong mình những phong vị phương Tây độc đáo, là sự kết hợp hài hòa, tinh tế của hai nền văn hóa Đông - Tây.

Cuối thế kỉ 19, khi đặt chân đến thành phố nhỏ của An Nam, người Pháp trong kế hoạch thuộc địa hoá vùng Viễn Đông đã quyết tâm biến nó thành thủ phủ xứ Đông Dương.

Với tham vọng đó của người Pháp, Hà Nội được kiến tạo trong hơn nửa thế kỷ thành một đô thị kiểu Pháp với những con đường thẳng tắp, đại lộ rộng lớn rợp bóng cây, công trình công cộng uy nghi tráng lệ.

Có thể kể đến những công trình như Nhà hát Lớn, Nhà thờ Lớn, Phủ Toàn quyền, tòa án, ngân hàng, trường đại học, trường trung học, viện bảo tàng, quảng trường, vườn hoa và các căn biệt thự.

Hiện nay ở Hà Nội đang có hơn một nghìn biệt thự kiểu Pháp lưu giữ lại ký ức đô thị nơi đây. Ngôi biệt thự lộng lẫy ở số 8 phố Chân Cầm từng là dinh thự của một vị quan đại thần triều Huế ở Bắc Kỳ.

Căn biệt thự "phi thường" nhất Hà Nội ở số 65 Nguyễn Thái Học từng là ngôi nhà nuôi dưỡng cho một thế hệ văn nghệ sĩ sáng tạo nghệ thuật trong hoàn cảnh khó khăn, ngặt nghèo nhất. Biệt thự số 43 Trần Hưng Đạo từng là nơi ở của một lãnh đạo cấp cao.

Và nhiều căn biệt thự khác đang duyên dáng ẩn mình sau những ngõ ngách hay dưới tán cây sum suê tại Hà Nội: Biệt thự số 14 Đường Thành, số 78 Phan Đình Phùng, số 99 Bà Triệu, số 78 Nguyễn Du...

Tác phẩm mới - Hà Nội đầu thế kỷ 20 qua những công trình kiến trúc (Hình 2).

Tranh ký họa các công trình thời Pháp của Nhóm Kí họa Đô thị Hà Nội. Ảnh: Wings Books

Bước sang đầu thế kỷ 20, Hà Nội có một sự chuyển mình mạnh mẽ, thay đổi từ một đô thị kiểu Pháp ở vùng Viễn Đông thành một đô thị vùng Viễn Đông theo phong cách Pháp.

Sự thay đổi đó đem lại những dấu ấn và văn hóa bản địa của riêng Hà Nội, khiến cho Hà Nội không còn là bản sao của Paris nữa mà là một đô thị mang tính quốc tế, hiện đại và độc đáo.

Ngày nay, nhiều công trình kiến trúc kiểu Pháp vẫn đang tồn tại và trở thành không gian di sản văn hóa của Hà Nội như Nhà hát Lớn, Nhà thờ Lớn, Ga Hà Nội, Trường Đại học Tổng hợp, Viện Bảo tàng Lịch sử, Nhà giam Hỏa Lò, Cầu Long Biên, Ngân hàng Nhà nước… Mỗi công trình có một câu chuyện riêng song hành cùng lịch sử ở từng giai đoạn phát triển của đô thị.

Kể lại lịch sử bằng tranh

Theo thời gian, các căn nhà Pháp dần dần hao mòn, hư hỏng, biến dạng, những bức tường dần bong tróc, bám đầy rêu phong, ẩm mốc. Chúng là những chứng nhân lịch sử độc đáo cần được lưu trữ lại cho các thế hệ mai sau.

Chọn cách vẽ và ghi chép lại, Nhóm Kí họa Hà Nội đã tái hiện lại các hình ảnh đẹp, những góc phố thân quen, nếp sống bình dị, sự tao nhã của người Hà Nội, các công trình cổ và cũ có giá trị văn hóa, lịch sử, đang dần mất đi trong quá trình đô thị hóa...

Đặc biệt hơn, cuốn sách có riêng một chương tập hợp những ấn tượng về nhà Pháp cổ trong mắt các thành viên nhí của nhóm.

Thành viên nhỏ nhất chỉ mới 6 tuổi; bức tranh của em ghi lại hình ảnh một căn biệt thự Pháp đầy màu sắc và chân thực.

Nhiều bức tranh độc đáo về Đại sứ quán Pháp, Trung tâm văn hóa Pháp, Nhà hát Lớn, Nhà thờ Cửa Bắc, nhà số 57B Hàng Bồ, nhà số129 Phùng Hưng, nhà số 128C Đại La.. cũng được các em minh họa bằng những nét vẽ đa dạng, thú vị.

Thông qua những bức tranh ký họa, nhóm tác giả của cuốn sách Ấn tượng Hà Nội - Từ kí họa những công trình thời Pháp đều hy vọng mỗi người dân Hà Nội dành tình yêu, biết trân trọng, giữ gìn những giá trị nghệ thuật kiến trúc của mỗi căn nhà Pháp cổ nơi mình đang làm việc hoặc sinh sống.

Cuốn sách được trình bày song ngữ Việt - Anh để phục vụ bạn đọc Việt Nam và quốc tế, cho những ai muốn tìm hiểu thêm về một phần lịch sử phát triển của đô thị Á Đông này.

Vẽ lại một phần không thể tách rời của Hà Nội bằng các công trình kiến trúc thời Pháp thuộc, mỗi bức tranh, mỗi bài viết trong Ấn tượng Hà Nội - Từ kí họa những công trình thời Pháp sẽ tái hiện trong lòng bạn đọc một Hà Nội quyến rũ, tinh tế đầy chất thơ của quá khứ, hiện tại và cả tương lai.

Nhóm Kí họa Đô thị Hà Nội (Urban Sketchers Hanoi) được thành lập từ tháng 9/2016 với trên 6.000 thành viên ở mọi miền đất nước và cả bạn bè quốc tế tham gia. Họ thuộc nhiều lứa tuổi, nghề nghiệp khác nhau.

Các thành viên đi vẽ hàng tuần vào các ngày chủ nhật, qua đó dạy vẽ miễn phí cho mọi người và tổ chức triển lãm hàng năm tại các không gian công cộng của Hà Nội. Nhóm Kí họa Đô thị Hà Nội đã tham gia nhiều sự kiện ký họa trong và ngoài nước, tổ chức các cuộc triển lãm tại các thành phố nhằm giới thiệu rộng rãi hơn nữa những hình ảnh đẹp đó tới nhiều người dân trong nước và bạn bè quốc tế.

Năm 2019, Nhóm Kí họa Đô thị Hà Nội được trao tặng Giải Bùi Xuân Phái cho hạng mục "Việc làm - Vì tình yêu Hà Nội".

Theo Zing
Bạn đang đọc bài viết "Hà Nội đầu thế kỷ 20 qua những công trình kiến trúc" tại chuyên mục Sức khỏe - Đời sống. Mọi bài vở cộng tác xin gọi hotline (0987.245.378) hoặc gửi về địa chỉ email (info.vstarmedia2018@gmail.com).