Giới trẻ Hà Nội tranh luận cùng cộng đồng khiếm thị về giới hạn bản thân

25/10/2020 16:11

Vừa qua, "The Eyes Project" – dự án bước ra từ Thanh niên hòa bình và phát triển bền vững đã chính thức viết tiếp hành trình lan tỏa yêu thương, kết nối người khiếm thị với cộng đồng qua sự kiện “Đâu là giới hạn của bản thân”. Hàng loạt những chia sẻ bổ ích cùng các thông điệp ý nghĩa đã được gửi gắm và thể hiện qua hoạt động thứ hai này.

Sáng ngày 18/10, sự kiện tiếp theo của hành trình lan tỏa yêu thương: “Đâu là giới hạn của bản thân” của dự án The Eyes Project đã diễn ra tại Hà Nội. Các chuỗi training kỹ năng giúp đỡ cộng đồng khiếm thị cùng hoạt động tranh luận phản biện được tổ chức hướng đến mục tiêu giúp các nhân vật trải nghiệm bứt phá rào cản vô hình trong mỗi người và thể hiện bản thân.

The Eyes rất vinh dự khi được tiếp đón anh Hoàng Văn Lý – chủ tịch hội người mù quận Hoàn Kiếm cùng chị Đào Thu Hương – công tác tại UNDP Chương trình Phát triển Liên Hợp Quốc với cương vị khách mời đặc biệt của The Eyes Project cùng 40 thành viên trải nghiệm. Vinh hạnh hơn khi chương trình còn nhận được sự quan tâm và ủng hộ của chương trình “Việc tử tế” - chuyển động 24h trên VTV24.

Đến với sự kiện, các cặp đôi trải nghiệm mắt sáng - khiếm thị đã trải qua hai hoạt động chính: training kỹ năng giúp đỡ các bạn khiếm thị và tranh luận, phản biện với nhau về các vấn đề nhức nhối trong cuộc sống nói chung và với người khiếm thị nói riêng.

Các bạn tập trung lắng nghe training kỹ năng giúp đỡ cộng đồng khiếm thị.

Anh Hoàng Văn Lý đã có phần training hướng dẫn các bạn mắt sáng những kinh nghiệm và kỹ năng cần thiết để giúp đỡ các bạn khiếm thị trong các hoạt động hằng ngày. Phần training đã miêu tả và hướng dẫn chi tiết các cách dẫn người khiếm thị đi xe buýt hay hỗ trợ người khiếm thị trên bàn ăn. Từ đó các bạn mắt sáng có thể chủ động giúp đỡ các bạn khiếm thị khi tham gia các phương tiện công cộng hay trong hoạt động ăn uống.

Bạn mắt sáng thực hành kĩ năng đưa bạn đồng hành đi xe buýt.

Hoạt động training các kỹ năng giúp đỡ cộng đồng khiếm thị trên bàn ăn.

Điểm nhấn của chương trình chính là hoạt động debate hấp dẫn giữa các bạn khiếm thị và các bạn mắt sáng về các vấn đề liên quan đến học tập, công việc, tình yêu và hôn nhân.

Các nhân vật trải nghiệm ngồi thành vòng tròn và cùng nhau tranh luận sôi nổi.

Các nhân vật trải nghiệm đã bước ra “vòng an toàn” của bản thân, tự tin nói lên ý kiến của mình. Bạn Hương Ly – sinh viên ĐH Y Hà Nội – nhân vật trải nghiệm của dự án chia sẻ: “Mình không ngờ các bạn khiếm thị lại tự tin, mạnh dạn, thông minh và có nhiều suy nghĩ sâu sắc đến vậy. Qua hoạt động này mình đã có cái nhìn rất khác về các bạn khiếm thị, xóa nhòa trong mình nhiều định kiến ngầm về các bạn”.

Với quan điểm: “Theo bạn, học Đại học có phải là con đường bằng phẳng nhất dẫn tới thành công?” Bạn Tuấn Anh - sinh viên Học viện Báo chí và Tuyên truyền cho rằng: Đại học là nơi ta được học hỏi, rèn luyện và trau dồi thêm nhiều kỹ năng, kiến thức và kinh nghiệm sống để chúng ta có những định hướng đúng đắn cho tương lai.

Bạn Tuấn Anh - sinh viên Học viện Báo chí và Tuyên truyền.

Tuy nhiên, bạn Trung – sinh viên Đại học khoa học xã hội và nhân văn, nhân vật khiếm thị có ý kiến trái ngược: Đại học không phải là còn đường duy nhất dẫn đến thành công. Bởi có rất nhiều người từ bỏ đại học và họ vẫn thành công. Và cũng có rất nhiều người học Đại học nhưng không biết mình sau này ra trường sẽ làm gì.

Với chủ đề tình yêu, “Thực tế cho thấy, người khiếm thị thường kết hôn với người khiếm thị, bạn nghĩ sao về vấn đề này?”. Đa phần các bạn đều đồng tình rằng: tình yêu xuất phát từ 2 phía là cuộc hôn nhân lâu dài. Anh Lý cũng chia sẻ “Đừng đặt con tim lên đầu, mà hãy đặt con tim ở đúng vị trí của nó”. Tình yêu hay hôn nhân không quan trọng bạn là ai, bạn như nào mà là bạn đối xử với nhau như thế nào – đó mới là điều quan trọng nhất.

Đối diện với vấn đề này, bạn Tuấn Cường, người khiếm thị, học sinh trung tâm GDTX GDNN Nguyễn Văn Tố, 2002, đã dũng cảm nói lên tâm tư của mình: “Bố mẹ chúng ta không thể sống thay chúng ta cả đời. Nếu ta cam chịu sự phản đối của xã hội, của mọi người xung quanh, có lẽ chúng ta sẽ sống cuộc đời về sau trong đau khổ vì không được mưu cầu hạnh phúc.”

Tuấn Cường với quan điểm hạnh phúc do ta tự nắm bắt.

Tất cả không chỉ trải qua những giây phút phản biện sôi nổi mà còn có những khoảnh khắc lắng đọng khi các bạn khiếm thị chia sẻ những tâm sự chân thật nhất. Sau cuộc tranh luận căng thẳng, buổi sự kiện kết thúc bằng bài hát các bạn nam dành tặng cho các bạn nữ nhân ngày 20/10.

Chương trình thành công tốt đẹp với những khoảng thời gian sâu sắc và bổ ích giữa các nhân vật trải nghiệm.

Giây phút lắng đọng sau hoạt động tranh luận, phản biện.

Sự kiện tiếp theo trong chuỗi các hoạt động của dự án là sự kiện “Amazing Race – Thấu hiểu yêu thương” dự kiến diễn ra trong tháng 11/2020. Song song với đó, dự án có tổ chức cuộc thi online và các hoạt động giữa các cặp đôi mắt sáng – khiếm thị để các bạn vừa thực hành các kỹ năng giúp đỡ người khiếm thị vừa là cơ hội để các bạn có thể hiểu nhau hơn, xóa đi khoảng cách và ranh giới giữa người khiếm thị và cộng đồng mắt sáng. Bên cạnh đó dự án còn ra mắt chương trình radio thứ bảy hàng tuần nhằm truyền cảm hứng cũng như thúc đẩy tình yêu thương và lan tỏa khắp cộng đồng.

 

Linh Chi
Bạn đang đọc bài viết "Giới trẻ Hà Nội tranh luận cùng cộng đồng khiếm thị về giới hạn bản thân" tại chuyên mục Sức khỏe - Đời sống. Mọi bài vở cộng tác xin gọi hotline (0987.245.378) hoặc gửi về địa chỉ email (info.vstarmedia2018@gmail.com).