Theo thống kê của Bộ Công Thương, từ năm 2016 đến nay, số lượng doanh nghiệp đăng ký hoạt động bán hàng đa cấp giảm 2/3. Trong đó, 1/3 doanh nghiệp bị thu hồi giấy chứng nhận, 1/3 số khác bị chấm dứt hoạt động do không hiệu quả. Mặc dù vậy, nhiều doanh nghiệp vẫn có nhu cầu đăng ký hoạt động mới.
Từ năm 2018 đến nay, gần 20 doanh nghiệp nộp hồ sơ đăng ký hoạt động bán hàng đa cấp, trong đó hơn 2/3 là các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài.
"Việc các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài muốn tham gia vào thị trường Việt Nam là tín hiệu tốt về mặt thu hút đầu tư, tạo nhiều tác động tích cực cho nền kinh tế. Tuy nhiên, đối với lĩnh vực kinh doanh đa cấp thì cần có những đánh giá cẩn trọng khi xem xét nhu cầu gia nhập thị trường của doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài", Bộ Công Thương nhận định.
Bộ Công Thương đề xuất quản lý chặt khâu tiền kiểm đối với hoạt động kinh doanh đa cấp của doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài. Ảnh minh họa: Anh Tuấn.
Theo cơ quan này, kinh doanh đa cấp đã xuất hiện hàng trăm năm và được thừa nhận ở nhiều quốc gia trên thế giới. Tuy nhiên, đến nay vẫn còn nhiều tranh cãi về bản chất của kinh doanh đa cấp, bởi có nhiều vụ việc lừa đảo xảy ra trên cơ sở lợi dụng mô hình này, kể cả ở các nước châu Âu. Do vậy, nhiều quốc gia thực hiện cơ chế sàng lọc doanh nghiệp nhằm hạn chế nguy cơ xảy ra lừa đảo, gây thiệt hại cho người dân.
Do đó, trong đề nghị xây dựng Nghị định sửa đổi, bổ sung Nghị định số 40 năm 2018 của Chính phủ về quản lý hoạt động kinh doanh theo phương thức đa cấp, Bộ Công Thương đề xuất bổ sung điều kiện đăng ký hoạt động. Cụ thể, doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài trước khi tham gia thị trường Việt Nam phải hoạt động bán hàng đa cấp tối thiểu 3 năm ở một quốc gia khác.
Bộ Công Thương cho biết, đề xuất này dựa trên tham khảo kinh nghiệm quốc tế, nhằm quản lý chặt hơn khâu tiền kiểm, sàng lọc và nâng cao chất lượng đầu vào của doanh nghiệp kinh doanh đa cấp.
"Việc yêu cầu doanh nghiệp có kinh nghiệm hoạt động ở nước ngoài, một mặt giúp cơ quan cấp giấy chứng nhận có cơ sở đánh giá tín nhiệm của doanh nghiệp, mặt khác cũng chọn lọc được các doanh nghiệp có kinh nghiệm quản lý nội bộ vì hoạt động này thực hiện thông qua mạng lưới hàng chục, hành trăm nghìn người tham gia", Bộ cho biết thêm.
Từ ngày 15/10, Nghị định 98 quy định xử phạt vi phạm hành chính trong hoạt động thương mại, sản xuất, buôn bán hàng giả, hàng cấm và bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng đã đi vào hiệu lực, trong đó siết chặt quản lý đối với các doanh nghiệp kinh doanh đa cấp.
Các doanh nghiệp yêu cầu người tham gia bán hàng đa cấp phải đặt cọc, nộp tiền hoặc mua hàng hóa để được ký hợp đồng bị phạt tiền từ 80-100 triệu đồng. Hành vi cho người tham gia bán hàng đa cấp nhận tiền hoặc lợi ích kinh tế khác từ việc giới thiệu người tham gia mà không phải từ việc mua, bán hàng hóa cũng chịu mức phạt tương đương.
Đặc biệt, số tiền phạt sẽ tăng gấp đôi nếu hành vi vi phạm được thực hiện từ 2 tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương trở lên.
Những doanh nghiệp trả tổng giá trị hoa hồng, tiền thưởng và lợi ích kinh tế khác trong một năm vượt quá 40% doanh số bị phạt từ 40-60 triệu đồng. Hành vi tổ chức sự kiện có sự tham gia từ 30 người trở lên hoặc từ 10 người tham gia bán hàng đa cấp trở lên mà không thông báo với sở công thương cũng chịu mức phạt này.
Mức phạt lên đến 60-90 triệu đồng nếu doanh nghiệp thực hiện khuyến mại mà hệ thống người tham gia có nhiều hơn một vị trí hoặc mã số.
Lan Anh
Link nội dung: https://tieudungvietonline.net/de-xuat-siet-dieu-kien-dang-ky-ban-hang-da-cap-a6263.html