Lớp học 'cổ tích' của cô giáo võ sư: Rơi nước mắt những câu chuyện về học trò tự kỉ

'Lớp học cổ tích' là nơi mà cô giáo hơn 70 tuổi vẫn ngày ngày đến các lớp học võ, giúp đỡ các bạn trẻ bị hội chứng down và tự kỉ hoà nhập với thế giới bên ngoài.

Cô giáo 73 tuổi

Say mê với võ thuật hơn nửa đời người, cô Thanh Loan – huấn luận viên bộ môn Aikido đã trở thành người sáng lập nên tổ chức Peawil – Aikido thế giới là yêu thương, đây là nơi tổ chức giảng dạy, phục hồi chức năng cho những bạn trẻ bị mắc hội chứng down và tự kỉ. 

Cô Thanh Loan và lớp học Peawil những ngày đầu tiên

Những ngày đầu, cô đã dành dụm tiền và vận động bạn bè để mở lớp học giúp đỡ các bạn trẻ bị thiểu năng trí tuệ. 

Ngoài lớp võ để dạy các bạn kiểm soát cơ thể, cô còn mở các lớp văn hoá và kĩ năng cần thiết. Cô Loan còn tự mình đi học các lớp tâm lý trị liệu để chính mình có thể giúp những bạn trẻ ấy phục hồi chức năng và hoà nhập với những người xung quanh. Đến nay, đã có rất nhiều bạn đến với cô và phát triển bản thân toàn diện hơn. 

Chân dung nữ võ sư Thanh Loan - người sáng lập lớp học Peawil

Cô Loan kể: “Những ngày đầu, cô đã đi gặp rất nhiều bạn bè, người thân để nói về dự định của mình, may mắn là ai ai cũng ủng hộ. Nhiều giáo viên nước ngoài, sinh viên và các tình nguyện viên cũng đến để hỗ trợ cô việc dạy học cho các bạn trẻ các môn như tiếng Anh, toán, vẽ và cả bơi lội, nấu ăn”. 

Trong khi đó, cô Thanh Loan đảm nhiệm vai trò là một người mẹ, một giáo viên chủ nhiệm, người dẫn dắt các bạn. Mỗi năm, cô đều vận động mạnh thường quân để duy trì lớp. Những phụ huynh có điều kiện sẽ hỗ trợ chi phí giảng dạy, còn với những phụ huynh có gia cảnh khó khăn, cô hoàn toàn để các bạn đến lớp miễn phí, thậm chí còn hỗ trợ cho gia đình các bạn. 

Cô và học trò cùng tập luyện

Hành trình kì diệu

Hơn 10 năm qua, cô Thanh Loan đã dìu dắt hàng trăm bạn trẻ đặc biệt, đưa các bạn ấy trở lại với cuộc sống bình thường hạnh phúc hơn là các bạn có thể hoà nhập với bạn bè cùng lứa tuổi, học cùng một lớp với các bạn ấy. 

Cô Loan từng nói, mỗi đứa trẻ thiểu năng, tự kỉ đều có thế giới riêng của nó nhưng nếu cứ ở trong thế giới đó, chúng sẽ chỉ mãi là một đứa trẻ. Công việc của cô là đi vào thế giới của các bạn và đưa các bạn ra thế giới bên ngoài. Ít ai nghĩ rằng câu nói “con cứ làm từ từ thôi” lại là lời khích lệ sâu sắc đối với những bạn trẻ bị mắc hội chứng thiểu năng. 

Cô và các bạn nhỏ cùng biểu diễn văn nghệ

 

Cô Loan và các thầy cô hướng dẫn khác

Đa số các bạn đến đây đều có sự tiến triển tốt. Có những bạn 15, 16 tuổi bị down không thể nói được, không giao tiếp tốt với những người xung quanh, bằng sự ân cần của mình, cô đã giúp các bạn nói những tiếng nói đầu tiên thật tròn vành, rõ chữ. Hay có những bạn bị tự kỉ, luôn tỏ ra xa cách với bố mẹ, qua sự dạy dỗ của cô Thanh Loan, bạn có thể mỗi ngày tự dậy sớm, biết cách chào hỏi, dạ thưa với người lớn. 

Cô Loan chia sẻ: “Đối với những đứa trẻ đặc biệt như thế, các bạn cần sự hoà nhập chứ không phải là tách biệt. Những bạn 15, 16 tuổi thậm chí lớn hơn nhưng tâm hồn vẫn là một đứa trẻ, chính vì thế các bạn ấy cần sự ân cần, đừng trách các bạn ấy chậm chạp, hãy chậm một nhịp để đồng hành cùng các bạn thì các bạn sẽ phát triển như bao bạn trẻ bình thường khác”. 

Lớp học làm bánh

Tiết học vẽ - làm mặt nạ

Peawil là gia đình!

Với những bạn trẻ, cô Loan luôn dành một sự yêu thương bền bỉ cho các bạn ấy. Bởi lẽ, với cô, tình yêu phải bền bỉ và vững chắc mới có thể dạy những đứa trẻ ấy nên người. 

Cứ mỗi tháng một hoặc hai lần, cô lại dẫn các bạn nhỏ của mình đi dã ngoại, đi xem phim, học làm bánh… xem như một bài học trị liệu tinh thần. Khi có những chương trình giao lưu văn nghệ, thi đấu thể thao, cô cũng đích thân dẫn các bạn đi. 

Ở cái tuổi này, nhiều người đã nghỉ ngơi, hưởng thụ tuổi già nhưng với cô Loan, chỉ khi nhìn những đứa trẻ ở đây lớn khôn nên người, cô mới thấy hạnh phúc. Chăm lo cho các bạn cũng là một dạng hưởng thụ và cô vui vì điều đó

Khải Anh

Link nội dung: https://tieudungvietonline.net/lop-hoc-co-tich-cua-co-giao-vo-su-roi-nuoc-mat-nhung-cau-chuyen-ve-hoc-tro-tu-ki-a6158.html