Năm nay tôi 50 tuổi. Trải qua 2 cuộc hôn nhân, tôi hiện sống một mình trong căn nhà đầy đủ tiện nghi. Tôi có đầy đủ về vật chất nhưng lòng tôi chưa bao giờ được thanh thản. Xin các độc giả cho phép tôi được chia sẻ câu chuyện cuộc đời mình.
Tôi kết hôn từ năm 20 tuổi. Lần đó, bản thân tôi không muốn lấy chồng sớm như vậy nhưng cái thai trong bụng đã sang tháng thứ 4, tôi không thể làm gì khác. Lý do tôi lăn tăn trước cánh cửa hôn nhân là vì chồng tôi quá nghèo. Anh là công nhân nhà máy, tôi thì không có việc làm ổn định. Cuộc sống của chúng tôi chỉ trông chờ vào đồng lương eo hẹp của anh.
Đúng như tôi dự đoán, hôn nhân đến khi còn quá trẻ và thiếu thốn tiền bạc đã khiến chúng tôi liên tục xảy ra mâu thuẫn. Chúng tôi cãi nhau rất nhiều. Tôi trách móc anh là đàn ông mà không lo được cuộc sống đầy đủ để vợ con phải khổ sở trong căn nhà xập xệ.
Câu chuyện chúng tôi nói với nhau chỉ xoay quanh việc con ốm và tiền nong. Chồng tôi cũng quá chán nản nên anh thường xuyên về nhà muộn. Vợ chồng vì vậy càng xa nhau. Khi con gái được 1 tuổi, cuộc sống của chúng tôi vẫn không cải thiện. Tôi quyết định để con lại cho chồng và mẹ chồng trông, vào miền Nam để làm ăn.
Chồng tôi không muốn vợ đi. Anh tuyên bố, nếu tôi rời nhà, anh sẽ đâm đơn ly hôn. Chán nản với hôn nhân đầy mâu thuẫn, tôi bỏ qua lời đe dọa của anh, vẫn chuẩn bị lên đường.
Lúc đó, tôi không nghĩ quá nhiều chỉ vì quá chán nản cuộc sống nghèo khó, u ám. Quả như lời chồng tôi nói, tôi chưa kịp lên đường thì đã nhận được đơn ly hôn từ anh. Tôi không do dự mà đồng ý. Ba năm ở vùng đất mới, tôi lao động và làm ăn miệt mài.
Ngày về, chồng tôi cản trở việc tôi gặp con gái. Đau lòng hơn, ở quê, tôi mang tiếng là vì ham giàu mà bỏ chồng, bỏ con. Chán nản, tôi lại tiếp tục vào miền Nam lần 2. Lần này, tôi gặp được người đàn ông cũng xa quê vào Sài Gòn lập nghiệp. Anh là người cũng trải qua một cuộc hôn nhân đổ vỡ nên chúng tôi nhanh chóng có sự thấu hiểu, đồng cảm.
Chúng tôi hẹn hò và dựa vào nhau để sống trong những ngày xa quê hương. Sau 2 năm quen nhau, tôi và anh kết hôn. Cuộc sống của tôi sau đó không còn khó khăn. Từ số vốn tích góp được do làm thuê, chồng tôi mạnh dạn mở xưởng sản xuất. Nhờ chịu khó, nhanh nhẹn anh nhanh chóng tạo nên một sự nghiệp đáng nể. Cuộc sống của vợ chồng tôi vô cùng hạnh phúc, hài hòa. Chúng tôi có nhà, có xe, dưới tay chồng tôi có hơn 100 công nhân đang làm việc.
Nhưng lòng tôi vẫn đau đáu về con gái. Một số lần tôi quay lại tìm con nhưng gia đình chồng tìm cách ngăn cản, chửi bới. Con gái tôi nghe lời bố và bà nội, cháu đinh ninh rằng “mẹ bỏ chồng con theo trai”, tìm cách từ chối mọi món quà tôi tặng cháu.
Tôi và chồng mới sống hòa hợp nhưng chúng tôi không may mắn có con. 5 năm trước, anh mắc bệnh ung thư và qua đời. Việc anh ra đi là một cú sốc lớn đối với tôi. Trước khi mất, toàn bộ tài sản anh để lại cho vợ. Chồng mất, tôi bán hết tài sản và quay về quê sinh sống. Ở quê, tôi mua nhà mới gần nơi con gái tôi đang sống. Mấy năm nay, tôi sống trong căn nhà lớn một mình - không thiếu thốn thứ gì nhưng tôi rất cô đơn.
Con gái tôi nay đã lập gia đình, có con. Qua tìm hiểu, tôi biết cuộc sống của cháu cũng không dư giả. Tôi muốn ngỏ lời giúp đỡ để mẹ con được gần gũi hơn nhưng cháu không thiết tha gì. Lần gần nhất, cháu đã đồng ý đến gặp tôi.
Cháu nói, cháu hận mẹ vì dù ở hoàn cảnh nào, không có người mẹ nào lại bỏ con. Tuổi thơ của cháu là những ngày bất hạnh vì phải nghe những lời của hàng xóm, người thân xì xào là “mẹ mày bỏ mày để theo trai”. Con gái tôi đã sống với người bố suốt ngày hằn học và những lời mắng chửi của bà nội chỉ vì bà ghét con dâu nên trút giận lên cháu.
Nay cháu trưởng thành hơn, đã có cuộc đời mới và gia đình mới. Cháu mong tôi đừng xuất hiện, khấy động lại nỗi đau trong cháu. Con gái nói, mỗi lần nhìn thấy mẹ, ký ức tuổi thơ đau đớn đó lại ùa về.
Tôi nghe lời con nói chỉ biết khóc như mưa. Những năm cuối đời, tôi chỉ muốn được ôm con, được chăm bẵm cho con nhưng có lẽ nào tôi không thể có được may mắn đó?
Độc giả giấu tên
Link nội dung: https://tieudungvietonline.net/noi-an-han-cua-nguoi-dan-ba-roi-bo-chong-con-luc-ngheo-kho-a6085.html