Tâm bão cách Đà Nẵng 115 km

Lúc 20h ngày 14/11, vị trí tâm bão ở khoảng 16,4 độ vĩ bắc, 109,3 độ kinh đông, cách Đà Nẵng 115 km, cách Thừa Thiên - Huế 200 km và cách Quảng Trị khoảng 245 km.

Vị trí tâm bão: 20h ngày 14/11, cách Đà Nẵng khoảng 115 km, Thừa Thiên - Huế khoảng 200 km, Quảng Trị khoảng 245 km.
Sức gió mạnh nhất: Cấp 12 (115-135 km/h), giật cấp 15.
Hướng đi: Trong 3 giờ tới, bão di chuyển theo hướng tây tây bắc với tốc độ khoảng 17 km/h.

22:05 14/11

Nhiều khu vực tại Đà Nẵng bị mất điện

Khoảng 21h ngày 14/11, một số khu vực tại Đà Nẵng bị mất điện gồm đường Hoàng Văn Thái, Tôn Đức Thắng (Liên Chiểu), Trần Cao Vân (Thanh Khê); xã Hòa Nhơn, Hòa Phú (huyện Hòa Vang) và một số nơi ở quận Sơn Trà.

Lãnh đạo Công ty Điện lực Đà Nẵng cho biết đơn vị đã bố trí lực lượng ứng trực 24/24, theo dõi sát tình hình vận hành lưới điện, kịp thời xử lý sự cố. Khi bão số 13 đi qua, đơn vị này sẽ tiến hành khôi phục cấp điện trở lại phục vụ người dân, khách hàng.

22:02 14/11

Bộ Công thương chỉ đạo "nóng" vụ thủy điện tích nước trái phép

Trước thông tin thủy điện Thượng Nhật (Thừa Thiên - Huế) tích nước trái phép, không tuân thủ công điện về việc triển khai các biện pháp ứng phó khẩn cấp cơn bão số 13, Bộ Công Thương đã có văn bản hỏa tốc yêu cầu thủy điện này mở ngay 5 cửa van đập tràn. Chủ đầu tư thủy điện là Công ty Cổ phần đầu tư thủy điện Miền Trung Việt Nam phải đảm bảo chế độ báo cáo thường xuyên với địa phương để kịp thời tiếp nhận các chỉ đạo về công tác ứng phó thiên tai.

Sau vụ việc, Cục Điện lực và Năng lượng tái tạo (Bộ Công thương) cũng yêu cầu chủ đầu tư phải báo cáo đầy đủ về công tác quản lý chất lượng công trình; công tác nghiệm thu đưa công trình vào sử dụng, kết quả thực hiện công tác đền bù, giải phóng mặt bằng, di dân tái định cư, trồng rừng thay thế…

Tổng công ty Điện lực miền Trung được yêu cầu không mua điện của nhà máy thủy điện Thượng Nhật khi chưa đủ điều kiện theo quy định.

21:30 14/11

Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường thị sát nơi neo đậu tàu thuyền

Đoàn công tác của Bộ trưởng NN&PTNT Nguyễn Xuân Cường đi kiểm tra khu neo đậu trú tránh tàu thuyền tại cửa sông Gianh, Quảng Bình. Sức chứa tại đây là 550 tàu. Bộ trưởng Cường yêu cầu địa phương tuyệt đối không để người dân ở trên tàu trong khu neo đậu, lồng bè nuôi trồng thủy sản, những nơi không đảm bảo an toàn; đồng thời rà soát, kiểm tra, quyết liệt sơ tán dân, hoàn thành theo kịch bản trước 21h.

Tại Quảng Trị, đoàn công tác của Thứ trưởng NN&PTNT Nguyễn Hoàng Hiệp cùng UBND tỉnh đi kiểm tra công tác sơ tán dân tại 2 điểm là trường tiểu học thôn Bích Giang (xã Cam Hiếu, Cam Lộ) và trường mầm non thôn Xuân Lộc (xã Gio Việt, Gio Linh).

Lãnh đạo bộ NN&PTNT đi kiểm tra công tác chuẩn bị trước bão số 13. Ảnh: Ngọc Hà.

21:05 14/11

Tâm bão cách Đà Nẵng 115 km

Lúc 20h ngày 14/11, vị trí tâm bão ở khoảng 16,4 độ vĩ bắc, 109,3 độ kinh đông, cách Đà Nẵng 115 km, cách Thừa Thiên - Huế 200 km và cách Quảng Trị khoảng 245 km.

Sức gió mạnh nhất gần tâm bão mạnh cấp 11 (100-115 km/h), giật cấp 13. Trong 3 giờ tới, bão di chuyển theo hướng tây tây bắc với tốc độ khoảng 17 km/h.

Tâm bão còn cách Đà Nẵng hơn 100 km. Ảnh: VNDMS.

20:56 14/11

Phủ lưới b40 lên mái nhà để ngăn tốc mái

Trước cơn bão số 13 sắp đổ bộ, anh Trần Văn Nhân (trú xã Thanh Thúy, huyện Lệ Thủy, Quảng Bình) đã mua lưới thép về gia cố lại mái nhà, chằng chống nhà cửa chắc chắn trước khi bão độ bộ để giảm thiệt hại. "Cứ nghe mưa bão là người dân lại mệt mỏi. Lần này phải dùng lưới thép chằng mái ngói không lại bay mất", anh nói.

Anh Nhân phủ lưới thép b40 lên nóc nhà để ngăn tốc mái. Ảnh: Phạm Trường.

20:19 14/11

Thủy điện tích nước trái phép trước khi bão 13 đổ bộ

Lực lượng chức năng huyện Nam Đông (Thừa Thiên - Huế) kiểm tra, phát hiện chủ đập thủy điện Thượng Nhật (xã Thượng Nhật) đã cố tình tích nước ở cao trình 115 m, không tuân thủ công điện của lãnh đạo tỉnh về việc triển khai các biện pháp ứng phó khẩn cấp cơn bão số 13.

Chiều 14/11, thủy điện này đã bị cưỡng chế và phải chấp hành việc mở hoàn toàn 5 cửa van dưới sự giám sát của công an.

Đối với trường hợp vi phạm tại thủy điện Thượng Nhật, Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng chống thiên tai đề nghị UBND tỉnh Thừa Thiên - Huế chỉ đạo các cơ quan liên quan theo dõi chặt chẽ việc chấp hành của chủ hồ, đồng thời xử lý nghiêm khắc theo quy định, tránh để xảy ra tình trạng tương tự.

Thủy điện Thượng Nhật tích nước trái phép. Ảnh: V.T.

19:18 14/11

Bão còn cách Đà Nẵng 133 km

Lúc 19h ngày 14/11, vị trí tâm bão ở khoảng 16.3 độ vĩ bắc; 109.5 độ kinh đông, cách Đà Nẵng 133 km và cách Thừa Thiên Huế 220 km. Sức gió mạnh nhất vùng gần tâm bão mạnh cấp 11-12 (100-135 km/h), giật cấp 14.

Trong 3 giờ tới, bão di chuyển theo hướng tây tây bắc với tốc độ khoảng 17 km/h.

19:16 14/11

Sóng biển cao 4-6 m đánh vào cảng Dung Quất Ảnh hưởng bão số 13, gió giật mạnh gây sóng cao 4-6 m ở vùng biển Dung Quất. Cảng vụ Hàng hải Quảng Ngãi bố trí phương tiện, nhân lực túc trực cứu hộ, cứu nạn.

19:10 14/11

Người vùng lũ Lệ Thủy mệt mỏi vì hết lũ đến bão

Đến 17h ngày 14/11, nhiều địa phương ở Quảng Bình đã có mưa lớn, gió nhẹ. Trước dự báo bão số 13 sắp đổ bộ, người dân huyện Lệ Thủy (Quảng Bình) vừa trải qua đợt lũ kéo dài gây thiệt hại lớn cố tất bật gia cố, chằng chống nhà cửa để bảo vệ tài sản.

Anh Nguyễn Xuân Du (trú xã Cam Thủy, huyện Lệ Thủy) cho biết mọi người đều cảm thấy mệt mỏi vì gia đình phải hứng chịu liên tiếp thiên tai trong suốt 2 tháng vừa qua. “Nghe tin bão sắp đổ bộ, tôi và người thân trong gia đình đã chuẩn bị nhiều biện pháp chống bão như chèn bao cát trên mái tôn, mua sắt về gia cố phần cửa trong nhà. Công việc làm liên tục từ sáng đến chiều, hy vọng tài sản trong gia đình tôi không bị mất mát quá nhiều trong đợt bão này “, anh Du nói.

Trao đổi với Zing, ông Đặng Đại Tình, Chủ tịch UBND huyện Lệ Thủy, cho biết đến chiêù14/11, địa phương đã kêu gọi neo đậu được 1.221 tàu thuyền, di dời được 313 hộ dân tại những điểm dễ bị ảnh hưởng do cơn bão số 13 đến nơi an toàn.

“Công tác ứng phó với bão đã thực hiện trong nhiều ngày qua. Huyện đang thực hiện biện pháp di dân trong cộng đồng, những hộ dân ở trong căn nhà nhỏ được vận động sang tránh trú tại các căn nhà kiên cố hơn để đảm bảo an toàn”, ông Tình nói.

Còn tại khu neo đậu ở thôn Cửa Phú, xã Bảo Ninh (TP Đồng Hới), ngư dân nơi đây đã đưa tàu, thuyền vào bờ để chống bão số 13. Nhiều người thuê máy cẩu đến đưa thuyền vào bờ, còn một số người dân khác mua lưới thép về chằng nhà cửa. Ngư dân Nguyễn Tiến Dũng (trú xã Bảo Ninh) cho biết khi nghe tin bão số 13 có sức gió mạnh, họ đã thuê máy cẩu đưa thuyền lên bờ, chằng dây thừng để giảm bớt thiệt hại.

Người dân Quảng Bình chằng níu tài sản trước bão số 13. Ảnh: PT.

19:00 14/11

Công an, quân đội giúp dân gia cố nhà cửa trước giờ bão số 13 đổ bộ Nhằm hạn chế thiệt hại do bão số 13 gây ra, Đà Nẵng huy động nhiều chiến sĩ công an, quân đội xuống vùng xung yếu giúp dân gia cố nhà cửa, đưa tàu thuyền đến nơi an toàn.

18:59 14/11

Quảng Trị dự kiến di dời 100.000 dân tránh bão, sạt lở đất

Ông Hà Sỹ Đồng, Phó chủ tịch UBND tỉnh Quảng Trị cho biết tỉnh này dự kiến di dời 25.000 hộ với trên 100.000 người dân để đảm bảo an toàn. Ngoài ra, hơn 1.900 hộ với gần 7.800 người ở vùng có nguy cơ cao xảy ra sạt lở đất, lũ quét, lũ ống tập trung ở các xã miền núi sẽ được di dời đến nơi tránh trú an toàn.

Riêng tại hai huyện miền núi Đakrông và Hướng Hóa, công tác phòng chống bão số 13 và tình trạng lũ ống, lũ quét, sạt lở đất được tiến hành rất khẩn trương trước cảnh báo của cơ quan chức năng về nguy cơ xảy ra lũ quét, sạt lở đất rất cao.

Ông Thái Ngọc Châu, Chủ tịch UBND huyện Đakrông, cho biết huyện di dời gần 4.000 hộ dân đến nơi an toàn. Trong đó, sơ tán 2.000 hộ có nhà bán kiên cố và gần 2.000 hộ sống trong khu vực có nguy cơ sạt lở, lũ ống và lũ quét. Tại vùng biển các huyện Gio Linh, Vĩnh Linh, Hải Lăng, ngư dân địa phương đã đưa toàn bộ tàu thuyền vào nơi neo đậu an toàn.

Người dân vùng núi Quảng Trị gia cố nhà cửa trước bão số 13. Ảnh: PT.

18:33 14/11

Đường phố Đà Nẵng, Huế vắng tanh trước bão

Từ trưa 14/11, hai thành phố Đà Nẵng và Huế đã thực hiện lệnh giới nghiêm, người dân hạn chế ra đường.

Tại TP Huế, gió mạnh và mưa lớn kéo dài suốt buổi chiều. Thay vì khuyến cáo người dân không ra ngoài sau 18h, UBND TP yêu cầu người dân không ra đường sau 12h trưa nay, 14/11. Lúc 18h, các cung đường tại TP vắng tanh, không có người qua lại.

Đường phố Đà Nẵng và Huế vắng người trước bão số 13. Ảnh: Mỹ Hà - Trung Nguyễn.

18:28 14/11

Quân dân Cồn Cỏ vào hầm tránh bão khẩn cấp

Chiều 14/11, tại huyện đảo Cồn Cỏ xuất hiện nhiều đợt gió lớn. Để đảm bảo an toàn cho người dân và lực lượng trên đảo, ngoài việc đưa tàu thuyền và tài sản đến nơi an toàn thì toàn bộ lực lượng quân đội và người dân trên đảo (trừ lực lượng túc trực làm nhiệm vụ) được di chuyển khẩn cấp đến các hầm và lô cốt quân sự để tránh bão. Đến nay, hơn 2.300 tàu thuyền với trên 7.000 ngư dân ở vùng biển Quảng Trị nhận được thông tin về bão số 13 đã vào khu vực tránh trú an toàn.

18:25 14/11

Bão số 13 sắp đổ bộ đất liền

Lúc 18h ngày 14/11, tâm bão ở khoảng 16.2 độ vĩ bắc, 109.6 độ kinh đông, cách Đà Nẵng 145 km và cách Thừa Thiên - Huế 235 km

Sức gió mạnh nhất gần tâm bão mạnh cấp 12 (115-135 km/h), giật cấp 15. Bão di chuyển theo hướng tây tây bắc với tốc độ khoảng 17km/h.

Trong ngày 15/11, bão sẽ đi vào đất liền các địa phương từ Hà Tĩnh đến Quảng Nam rồi suy yếu dần thành áp thấp nhiệt đới.

Trước khi bão cập bờ, Đà Nẵng đã sơ tán gần 93.000 dân đến nơi an toàn. Thừa Thiên - Huế sơ tán 20.000 hộ dân. Tại Quảng Ngãi, 2.500 người tại các huyện Lý Sơn, Bình Sơn đã được sơ tán đến nơi an toàn.

Nhóm PV

Link nội dung: https://tieudungvietonline.net/tam-bao-cach-da-nang-115-km-a5751.html