Cô giáo bản Dao nuôi 4 trẻ không nơi nương tựa

Hai tiếng 'mẹ Đào' là cách gọi ấm lòng và chan chứa tình cảm của bọn trẻ dành cho cô giáo Bàn Thị Đào.

Đã gần đến tuổi nghỉ hưu, cô giáo Bàn Thị Đào, dân tộc Dao trường Phổ thông Dân tộc bán trú Tiểu học và Trung học cơ sở Đồng Lâm 2 (thuộc Thôn Cài, xã Đồng Lâm, thành phố Hạ Long, tỉnh Quảng Ninh) vẫn miệt mài với công việc. Cô còn là “người mẹ thứ hai” của 4 đứa trẻ không nơi nương tựa. Với tấm lòng của người thầy, người mẹ, người phụ nữ ấy đã yêu thương, chăm sóc, nuôi nấng các con với mong muốn “các con đều khôn lớn thành người”.

Là một trong những giáo viên có thâm niên nhất tại trường, cô Đào được giao chủ nhiệm lớp 3 với kế hoạch giảng dạy 21 tiết học trên tuần

Căn nhà nhỏ của cô giáo Bàn Thị Đào cách trường Tiểu học và Trung học Dân tộc bán trú Đồng Lâm chỉ khoảng 100 mét. Trong làng ai cũng biết đến cô Đào với giọng hát rất hay từng được vinh danh là “Nghệ sĩ vùng mỏ”.

Ngoài 50 tuổi, nhưng cô Đào vẫn gây ấn tượng với vẻ ngoài trẻ trung cùng gương mặt phúc hậu. Là một trong những giáo viên có thâm niên nhất tại trường, cô được giao chủ nhiệm lớp 3 với kế hoạch giảng dạy 21 tiết học/tuần. Nhà gần trường nên ngoài giờ lên lớp, cô Đào còn cùng các giáo viên khác quán xuyến học sinh ăn nghỉ tại trường. Vì vậy, hoàn cảnh, điều kiện gia đình từng em học sinh cô đều nắm rất rõ.

“Tại trường đa số các em đều là học sinh dân tộc thiểu số. Lớp tôi chủ nhiệm năm nay có 22 học sinh. Có em hoàn cảnh gia đình bố mẹ bỏ nhau, có em gia đình hoàn cảnh khó khăn cũng nhiều. Hiện tại bây giờ tôi nhận nuôi 4 cháu trong cùng 1 gia đình với hoàn cảnh rất khó khăn, mẹ bỏ đi nơi khác, bố thì nghiện rượu mắc bệnh gan phải chạy chữa không còn đủ điều kiện nuôi con”, cô Đào chia sẻ.

“Tôi nhận nuôi đầu tiên là một bé gái 3 ngày tuổi bị mẹ bỏ lại tại bệnh viện. Khi nhận về tôi cũng làm thủ tục đặt tên cho cháu, năm nay cháu đã học lớp 2; 3 cháu còn lại học lớp 7, lớp 5 và em út 3 tuổi được tôi nhận nuôi từ tháng 5/2020”, cô Đào kể thêm.

Cô còn là “người mẹ thứ hai” của 4 đứa trẻ không nơi nương tựa.

Vợ chồng cô Đào sinh được hai người con trai. Với đồng lương giáo viên ít ỏi, việc nhận nuôi thêm 4 học trò không đơn giản. Do thiếu thốn tình cảm và sự giáo dưỡng của bố mẹ, khi mới đón các cháu về nhà, cô Đào phải uốn nắn từng lời ăn, tiếng nói cho chúng.

“Các con về không biết chào hỏi ai, đến bữa cơm cũng không biết mời, hỏi thì nói trống không, qua quá trình uốn nắn đến nay các con tiến bộ rất nhiều. Giờ các con đã phụ tôi được công việc nhà như rửa bát, quét nhà, nhặt rau... Mới đầu các con luôn bảo tôi mở các bài hát về bố mẹ, ông bà và tập hát, tập viết những lá thư về mẹ rất tình cảm. Từ đó tôi thấy rằng, các con thiếu gì, tôi sẽ bù đắp từ những cái đó. Bằng tình thương tôi cũng ôm ấp các con, nói chuyện, tâm sự với các con, coi như mình là người mẹ sinh ra các con. Đến giờ các con cũng tâm sự được về ở với mẹ Đào chúng con rất vui”, cô Đào vui vẻ nói.

Được nhà trường tạo điều kiện, sắp xếp chỗ ở từ thứ 2 đến thứ 6 nên chỉ cuối tuần những đứa trẻ mới về sinh hoạt tại gia đình. Dù khó khăn, thiếu thốn nhưng bữa cơm chiều thứ 7, chủ nhật nhà cô giáo Đào cũng đầy ắp các món, bởi “cả tuần mới có dịp tranh thủ bồi dưỡng cho các con”. Hai tiếng “mẹ Đào” là cách gọi ấm lòng và chan chứa tình cảm của bọn trẻ dành cho cô giáo Bàn Thị Đào.

Bữa cơm ấp áp chiều thứ 7, chủ nhật tại nhà cô giáo Đào.

Em Triệu Thị Vân Anh, học lớp 7, trường Phổ thông Dân tộc Bán trú TH&THCS Đồng Lâm 2, chị cả trong gia đình chia sẻ: “Ở nhà mẹ Đào, con được sống đầy đủ, không thiếu thốn gì. Mẹ chuẩn bị cho chúng con những món ăn đầy đủ chất dinh dưỡng. Khi chúng con làm hỏng đồ đạc trong nhà mẹ chỉ nhắc nhở rằng, đồ hỏng rồi thì thôi nhưng lần sau chúng con nhớ rút kinh nghiệm. Những bộ đồ con mặc trên người là mẹ Đào dẫn đi chợ mua cho”.

Cô em Triệu Hồng Vân, hiện đang học lớp 5 ấp ủ ước mơ trở thành một cô giáo trong tương lai.

“Mẹ Đào chăm sóc chúng con rất tốt, nhất là khi chúng con ốm đau. Vào thứ 7, chủ nhật mẹ cũng dành thời gian để giảng bài cho con, đặc biệt là môn Toán. Chúng con rất yêu mẹ Đào”, em Vân kể.

Bằng trái tim của người mẹ, tấm lòng của người thầy, cô giáo Bàn Thị Đào không chỉ mang đến tri thức cho học sinh mà còn uốn nắn, dạy dỗ những đứa trẻ vùng cao sống nhân hậu.

Thầy giáo Vũ Hoàng Luân, Hiệu trưởng Trường Phổ thông Dân tộc Bán trú TH&THCS Đồng Lâm 2 cho hay, cô giáo Bàn Thị Đào là một người rất gương mẫu được đồng nghiệp, bạn bè và người dân quý mến, tin tưởng.

Bằng trái tim của người mẹ, tấm lòng của người thầy, cô giáo Bàn Thị Đào không chỉ mang đến tri thức cho học sinh mà còn uốn nắn, dạy dỗ những đứa trẻ vùng cao sống nhân hậu

“Cô giáo Đào cả cuộc đời gần như gắn bó với mái trường Phổ thông Dân tộc Bán trú TH&THCS Đồng Lâm 2, do vậy bao thế hệ học sinh của trường đều do cô Đào rèn giũa. Bên cạnh vai trò là người truyền kiến thức, cô giáo Đào cũng là người đóng góp rất lớn trong công tác truyền bá, tuyên truyền những văn hóa của địa phương tới các em học sinh, để các em ý thức được tầm quan trọng của việc gìn giữ bản sắc văn hóa dân tộc của mình”, thầy Luân cho biết thêm.

Niềm vui của cô Đào là được nhìn thấy từng lớp học trò nơi rẻo cao này có đầy đủ cơm ăn, có quần để áo mặc, được cắp sách tới trường và ấm áp tình cảm yêu thương của cha mẹ. Những đứa trẻ rồi đây sẽ lớn lên, bay đến phương trời xa nhưng với chúng, bản nghèo và cô giáo hiền luôn là kỷ niệm ngọt ngào nhất./.

CTV Mai Linh/VOV-Đông Bắc

Link nội dung: https://tieudungvietonline.net/co-giao-ban-dao-nuoi-4-tre-khong-noi-nuong-tua-a5658.html