Vỡ mộng làm đẹp bằng mỹ phẩm “hàng hiệu” giá bèo

Tin vào những lời quảng cáo về mỹ phẩm hàng hiệu - giá rẻ như cho, không ít người đã phải nhận trái đắng, tiền mất tật mang vì chi tiền mua mỹ phẩm giá rẻ thông qua hình thức online.

Cay đắng vì săn sale giờ vàng

Gần đây, PV tạp chí Người Đưa Tin Pháp Luật nhận được nhiều phản ánh của người tiêu dùng về việc mỹ phẩm đội lốt hàng hiệu bán tràn lan trên thị trường, gây ra nhiều tổn hại về sức khỏe và tiền bạc cho người sử dụng. Bị thu hút bởi các chiêu trò quảng cáo như: Thanh lý, gom hàng order tận gốc, người nhà mua được hàng chuẩn khi đi du lịch,… nhiều người đã cả tin, nhanh chóng chi tiền để kịp thời sở hữu mỹ phẩm thương hiệu với mức giá hời. Những tưởng may mắn vì tiền ít mà vẫn mua được hàng hiệu, nhiều người vỡ mộng khi sử dụng.

Chị H.T.H. (Đống Đa, Hà Nội) ngậm ngùi chia sẻ khi biết mình bị lừa “tiền thật hàng giả”: “Thấy chủ shop livestream xả hàng nước hoa Gucci Bleu giá rẻ, chỉ bằng 1/10 giá tiền khi đi mua ở cửa hàng nên tôi vội đặt mua 2 chai cho chồng sử dụng. Shop cam kết hàng chính hãng, được kiểm tra hàng trước khi nhận và hứa sẽ miễn phí giao hàng nên tôi tin tưởng và không nghi ngờ gì. Nhưng khi nhận được hàng tôi mới biết đó là hàng nhái, mùi rất hắc, nồng nặc hóa chất chứ không dễ chịu như chai nước hoa chồng tôi đang sử dụng”.

Là người yêu thích và thường xuyên sử dụng nước hoa Gucci nhưng vẫn bị “lòe” khi nhận và kiểm tra hàng, chị H. trần tình: “Khi nhận hàng, bên giao hàng chỉ cho kiểm tra bên ngoài hộp, không được kiểm tra bên trong nên không biết mùi hương ra sao. Vì bao bì bên ngoài giống y hệt sản phẩm chính hãng nên tôi không thể nào nhận ra đây là hàng nhái, chỉ khi dùng thử mới biết mình bị lừa”.

Nước hoa Chanel được rao bán tràn lan trên thị trường với mức giá chỉ bằng 1/10, 1/20 giá niêm yết của hãng.

Chị T.M. (Thanh Xuân, Hà Nội) là một nạn nhân khác khi mua son môi qua mạng: “Bình thường tôi vẫn mua thỏi son thương hiệu 3CE với giá hơn 300 nghìn đồng/thỏi, hôm đó lướt Shopee, đúng khung giờ sale nên giá còn chưa đến 100 nghìn đồng/thỏi, thấy rẻ nên tôi mua 5 thỏi các màu về dùng thay đổi. Không ngờ sau khi sử dụng, môi tôi bị khô, nứt nẻ, lau hết son đi thì môi thâm đen trông rất sợ”. Thấy tình trạng môi không đỡ hơn mặc dù đã ngưng sử dụng, chị M. đi khám tại bệnh viện da liễu và bác sĩ kết luận môi bị nhiễm chì nặng. Hối hận vì “tiền mất tật mang”, chị M. nói sẽ không bao giờ tin và mua mỹ phẩm thương hiệu giá rẻ trên mạng nữa.

Chữa trị nhiều ngày tại bệnh viện da liễu vì tình trạng da mưng mủ, sưng tấy khi sử dụng kem dưỡng da The Face Shop được rao bán trên mạng, anh H.T.T. cho biết mình mua sản phẩm này từ một shop khá uy tín. Đặc biệt, “khi chủ shop livestream bán hàng thì có rất nhiều người vào đặt mua và bình luận rằng sản phẩm chuẩn, chính hãng. Thấy vậy, anh cũng giống nhiều người khác đặt mua vì họ quảng cáo số lượng không có nhiều: “Về sử dụng được hai hôm thì mặt tôi bắt đầu mẩn ngứa, nổi mụn và viêm loét rất khó chịu. Tôi ngừng sử dụng sản phẩm và đến bệnh viện da liễu khám. Điều trị đến nay cũng được gần một tháng, tình trạng da mới bắt đầu có tiến triển”, anh T. cay đắng.

Bóc mẽ thủ thuật “phù phép” hàng rởm

Theo ghi nhận của PV tạp chí Người Đưa Tin Pháp Luật trên một số trang thương mại điện tử, hội nhóm bán hàng online, rất nhiều thương hiệu mỹ phẩm nổi tiếng như: Gucci, Chanel, Lancome, Maybellin, Mac, Innisfree,… được rao bán tràn lan với mức giá rẻ bất ngờ. Thậm chí, có những sản phẩm nổi tiếng giá cao, số lượng có hạn lại được người bán theo chục, cân, thùng, cam kết hàng chính hãng, hàng xách tay nhưng mức giá chỉ bằng 1/10, 1/20 giá sản phẩm niêm yết của hãng.

Nhan nhản các loại mỹ phẩm gắn mác hàng chính hãng được bán theo lô, giá rẻ bất ngờ trên thị trường.

Chỉ bằng một cú nhấp chuột với từ khóa mỹ phẩm chính hãng, người dùng đã có thể tìm ra hàng chục các địa chỉ như: Thanh lý – gom order Authentic; chợ sỉ son mỹ phẩm nước hoa giá rẻ 3k (nghìn đồng-PV), 5k, 10k; mỹ phẩm chính hãng giá rẻ; chuyên mỹ phẩm nội địa Nhật, Trung, Hàn,…Vô vàn kiểu chào mời, quảng cáo bán mỹ phẩm thương hiệu lớn, giá thành nhỏ với các lý do như: xả kho, thanh lý nghỉ bán, mua số lượng lớn về dùng không hết nên đem bán, có người nhà bên nước ngoài mua được hàng tận kho,… Không chỉ dừng lại ở những bài đăng hay video quảng cáo, nhiều người bán còn livestream bán hàng trực tiếp với những thủ thuật chào mời hấp dẫn.

Một tài khoản có tên “Mẹ Bột nhận order hàng Nhật” quảng cáo: “Gom sale son dưỡng DHC, hàng mua trực tiếp tại Nhật. Giá 120k/ thỏi, 100k/5 thỏi, 95k/10 thỏi. Nhà em check với nhân viên rồi ạ, số lượng có hạn”. Mua càng nhiều giá càng rẻ, nhưng rẻ đến mức giá thành giảm từ 120 nghìn đồng/ sản phẩm xuống 9.500 đồng/ sản phẩm khiến cho PV không khỏi nghi ngờ về nguồn gốc cũng như chất lượng của mặt hàng này.

Cũng với chiêu thức quảng cáo đó, một fanpage bán hàng khác có tên “Buôn sỉ mỹ phẩm nhập khẩu” rao bán nước hoa Bleu Chanel chính hãng với mức giá chưa bằng 1/10 giá niêm yết của hãng: “Em không có ý định bóc phốt nước hoa của ai cả, em làm livestream này để các anh chị phân biệt đâu là nước hoa chính hãng Bleu Chanel… Chỉ có 299 nghìn/ chai (giá hãng gần 3,5 triệu đồng/ chai), giá em tri ân ưu đãi cho khách mua hàng chính hãng trực tiếp tại livestream, mua hai chai miễn phí ship vận chuyển toàn quốc”. Liên tục cam kết bán hàng chính hãng, người này cho biết khách chỉ cần để lại số điện thoại đặt hàng, được kiểm tra hàng, chính hãng thì mới nhận hàng.

Tưởng mức giá đó đã là rẻ, vẫn cùng loại nước hoa đó, nhưng tài khoản Phạm Yến Nhi lại rao bán với mức giá chỉ vài chục nghìn đồng: “Blue Chanel thường thùng giá 37k, Blue Chanel nắp hít thùng 49k, sỉ liên hệ zalo 0706726***. Sẵn hàng các loại nước hoa, lấy thùng giá tốt”.

Vô vàn các loại mỹ phẩm gắn mác các thương hiệu nổi tiếng được rao bán tràn lan trên thị trường, nhan nhản người bán và cũng không ít người tìm mua. Chỉ từ 3 nghìn đồng, khách hàng đã có thể sở hữu các loại mỹ phẩm “hàng hiệu”, kể cả loại phiên bản giới hạn một cách nhanh gọn.

Dưới những hình thức quảng cáo hết sức tinh vi và khéo léo về các loại mỹ phẩm trá hình thương hiệu, nhiều người tiêu dùng đã trở thành nạn nhân khi tin mua và sử dụng. Thực trạng trên vẫn đang diễn ra và chưa có dấu hiệu dừng lại, gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe, tiền bạc và lòng tin của người tiêu dùng.

Nhiều hãng son môi nổi tiếng như 3CE, BLACK ROUGE được bán tràn lan trên mạng với mức giá chưa đến 20.000 đồng/1 sản phẩm.

Tiền mất, tật mang

“Trong quá trình thăm khám và điều trị, tôi gặp nhiều trường hợp bệnh nhân do sử dụng mỹ phẩm với những tên gọi rất mỹ miều, kém chất lượng phải nhập viện để điều trị. Hiện nay, trên thị trường có rất nhiều mỹ phẩm trôi nổi thiếu sự kiểm soát chặt chẽ, nên nếu mỹ phẩm giá rẻ thì chắc rằng chất lượng khó có thể tốt được. Có loại mỹ phẩm sản xuất không đúng tiêu chuẩn, thậm chí có chứa các chất như corticoid, kem trộn… có độc tính dễ làm tổn thương da. Thêm nữa, người sử dụng có thể bị ảnh hưởng về da rõ rệt nhất là hội chứng lệ thuộc vào mỹ phẩm, gây teo da, giãn mạch...

 

Với những loại mỹ phẩm này, ban đầu người dùng sẽ thấy rất mịn da, nhưng chỉ cần dừng không dùng thì mặt sẽ đỏ bừng, tạo ra hội chứng bị lệ thuộc mỹ phẩm buộc phải dùng. Vì vậy, tôi cho rằng người dân cần cẩn thận trong việc mua mỹ phẩm để sử dụng, nên chọn mua ở những nơi uy tín, nhà sản xuất được cấp phép và có mã quyét QR để kiểm định sản phẩm. Đồng thời, cũng nên tham khảo ý kiến từ bác sĩ da liễu”, Bác sĩ Nguyễn Thái Dũng (bệnh viện Da liễu Nghệ An).

Hải Yến

Link nội dung: https://tieudungvietonline.net/vo-mong-lam-dep-bang-my-pham-hang-hieu-gia-beo-a4597.html