Gần 40 năm vuông tròn với khuôn bánh Trung thu

Khi khuôn bánh Trung thu bằng gỗ đang trong tình trạng bị khuôn nhựa mới lấn át, người dân làng nghề điêu khắc mộc Thượng Cung (xã Tiền Phong, Thường Tín, Hà Nội) lần lượt chuyển sang làm đồ thờ cúng, ông Trần Văn Bản vẫn kiên định đến cùng bên những khúc gỗ thô ráp sau gần 40 năm làm nghề.

Hàng năm, cứ khoảng 1 tháng trước khi đến rằm tháng Tám âm lịch, gia đình ông Trần Văn Bản, thôn Thượng Cung lại tất bật với công việc đục khuôn bánh Trung thu.

Một chiếc khuôn bánh Trung thu làm theo phương pháp truyền thống gồm rất nhiều công đoạn. Gỗ sau khi mua về phải được làm sạch vỏ, bào nhẵn mặt, pha gỗ thành hình khuôn theo kích thước và mẫu mã khách hàng yêu cầu.

Ông Bản cho biết trước đây loại gỗ được dùng là gỗ cây thị nhưng hiện giờ loại gỗ này rất hiếm nên gia đình ông chuyển sang dùng gỗ xà cừ.

Nguyên liệu chủ yếu đến từ các cây đổ hoặc chặt hạ trong những dự án giao thông, với khuôn bánh là từ gỗ xà cừ thì khuôn sẽ dẻo bền và ít cong vênh sau thời gian sử dụng.

Nếu trước đây các cụ phải đẽo thủ công thành khuôn nhưng hiện nay đã được sử dụng thêm máy khoan tạo lỗ trước khi đẽo, giảm bớt nhiều thời gian chế tạo.

Tuy nhiên, việc đẽo khuôn vẫn được làm thủ công hoàn toàn, đây là công việc đòi hỏi sự tỉ mỉ tới từng chi tiết, chỉ cần một nhát đục sai chiếc khuôn có thể bị hỏng. Những chiếc khuôn sau khi đẽo xong sẽ được người thợ kiểm tra chất lượng của khuôn bằng cách dùng đất sét đóng vào như bánh thật. Qua được bài kiểm tra này, chiếc khuôn trải qua công đoạn cuối cùng là dùng giấy nhám đánh mịn bề mặt.

Mỗi nét đục lại được sử dụng bằng những công cụ khác nhau do chủ nhân đặt riêng.

Các con giống cổ phức tạp được ông tâm huyết nhất, với những nét hoa văn mềm mại nhưng sắc sảo, cổ điển mà sang trọng, thường được dùng để biếu tặng. Tùy kích thước và mức độ tinh xảo, chi tiết, một chiếc khuôn có giá thành dao động từ 200.000 đồng đến cả triệu đồng.

Theo ông Bản, những năm gần đây, lượng khuôn nhà ông bán được không còn nhiều như trước do sự du nhập của khuôn bánh bằng nhựa giá thành rẻ của Trung Quốc. Nhưng ông Bản vẫn tự tin khẳng định, dù thị trường có sản xuất bao nhiêu mẫu khuôn bánh bằng nhựa, cũng không thay thế nổi khuôn gỗ truyền thống. Bằng chứng là sau một vài năm rầm rộ chuộng các mẫu mới, khách hàng gần đây lại có xu hướng quay về với khuôn gỗ quen thuộc.

“Khuôn nhựa tuy nhẹ, nhìn sạch, nhưng không có lỗ thông hơi, dẫn đến bí, dễ mốc bánh và còn không tạo nét. Khuôn gỗ trái lại thì thoáng hơn, vừa không độc hại, chắc chắn, nét góc, càng ngâm càng đen, dùng trăm năm cũng không sợ hỏng”, ông Bản nói.

Tiếng lành đồn xa, cứ nhắc đến khuôn gỗ Thượng Cung là người ta nhớ đến nghệ nhân Trần Văn Bản. Những mùa đông khách, cả vợ chồng, con cháu ông được huy động xắn tay vào làm mới kịp đủ số lượng.

Ông Bản tâm sự:”Mỗi vụ thu nhập cũng lớn lớn nhưng nếu trừ chi phí tiền mua gỗ, tiền điện thì không còn mấy, hơn thế nữa đây là nghề đòi hỏi nhiều công sức và thời gian do đó không hấp dẫn được giới trẻ của làng như trước đây. Thôi thì cứ giữ cái nghề truyền thống, tương lai cũng không ai dự đoán được”.

 

Phạm Tùng

Link nội dung: https://tieudungvietonline.net/gan-40-nam-vuong-tron-voi-khuon-banh-trung-thu-a4074.html